Vốn đầu tư mạo hiểm ghi nhận giảm trong năm 2022

VTV Digital-Thứ ba, ngày 20/12/2022 06:00 GMT+7

VTV.vn - Theo Crunchbase News, tính đến thời điểm kết thúc quý 3/2022, trên toàn thế giới ghi nhận mức đầu tư mạo hiểm giảm xuống còn 81 tỷ USD trên gần 8000 thương vụ đầu tư.

Tổng giá trị giao dịch còn chưa đạt được một nửa so với cùng kỳ năm 2021.

Trong bối cảnh xu hướng đầu tư toàn cầu có nhiều thay đổi sâu sắc do chịu ảnh hưởng từ những biến động địa chính trị và khả năng suy thoái hiện hữu tại nhiều nền kinh tế lớn. Sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư đã và đang diễn ra mạnh mẽ giữa các khu vực và quốc gia, trong đó các cơ hội đầu tư đang càng trở nên khó khăn hơn đối với cả các startups và các nhà đầu tư.

Theo đại diện quỹ đầu tư DO Venture, tính đến thời điểm kết thúc quý 3/2022, trên toàn thế giới ghi nhận mức đầu tư VC giảm xuống còn 87 tỷ USD trên 7818 thương vụ đầu tư. Tổng giá trị giao dịch còn chưa đạt được một nửa so với cùng kỳ năm 2021.

Bà Lê Hoàng Uyên Vy, đại diện quỹ đầu tư DO Ventures, cho biết: "Với tình hình bối cảnh kinh tế rất khó khăn trên thế giới, dòng vốn đi vào đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2022 ở Việt Nam sẽ có sự chậm lại. 9 tháng đầu năm 2022 so với 2021, tổng số đầu tư chỉ chậm lại khoảng 18% và tổng số thương vụ giảm 13%. So với thế giới và trong khu vực chúng ta có mức chậm lại ít hơn".

Vốn đầu tư mạo hiểm ghi nhận giảm trong năm 2022 - Ảnh 1.

Theo các chuyên gia, bên cạnh khó khăn chung của nền kinh tế, cũng có những trở ngại của đội ngũ khiến các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam bị hạn chế cơ hội tiếp cận nguồn vốn.

Ông Tùng Trần, Giám đốc điều hành VIC Partner, chia sẻ: "Hiện giờ startup Việt Nam vẫn còn trở ngại về ngôn ngữ. Nhiều founders làm tốt nhưng không thể thuyết phục nhà đầu tư nước ngoài. So với startup Indonesia hay Singapore, chúng ta thiệt thòi rất nhiều".

Mặc dù vậy, vẫn có những sự lạc quan nhất định cho năm tới cũng như từ này đến 2025. Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, nói: "Tôi cho rằng trong những năm tới tsẽ khá khó khăn với các khởi nghiệp sáng tạo trên toàn cầu. Tuy nhiên, với các cái đà tăng trưởng của một số startup có nền tảng công nghệ rất là tốt thì đây là những tăng trưởng rất bền vững thì tôi tin tưởng rằng dòng vốn đầu tư vào Việt Nam trong khởi nghiệp sẽ tiếp tục tăng trưởng trong dài hạn".

Với việc tài nguyên lớn nhất của Startup Việt Nam là con người, lao động trẻ và năng lực công nghệ chất lượng vẫn sẽ hấp dẫn các quỹ đầu tư quốc tế. Dự báo, Việt Nam tiếp tục duy trì trong nhóm 3 quốc gia thu hút vốn có tăng trưởng mạnh nhất cùng với Singapore và Indonesia.

Các Startup công nghệ mới vẫn sẽ có cơ hội lớn

Tại diễn đàn quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2022, các quỹ đầu tư cho biết trong giai đoạn 2023 - 2025 sẽ không còn những dòng tiền dễ. Hoạt động đầu tư sẽ chặt chẽ hơn và ưu tiên các Startup trong các lĩnh vực công nghệ tài chính, phương tiện xanh, công nghệ y tế hay nông nghiệp - những lĩnh vực gắn liền với các công nghệ mới, duy trì tăng trưởng tích cực và có xu hướng bền vững trong tương lai.

Ông Nguyễn Tấn Long, Phụ trách thương hiệu xe máy điện DAT BIKE, cho biết: "Đúng là bối cảnh năm 2022 có những khó khăn chung. Tuy nhiên, khi chúng tôi tập trung được vào công nghệ, chúng tôi tự tin vào sản phẩm của mình có thể giải quyết bài toán và đáp ứng trúng nhu cầu tương thì các nhà đầu tu họ vẫn lựa chọn".

Các chuyên gia đánh giá, sau một thời gian dài dòng tiền ưu tiên đổ vào thị trường Singapore, Indonesia, giờ là thời cơ của Việt Nam khi mà thị trường đã xác định được rõ những công nghệ mà Việt Nam có ưu thế, có thị trường và có dư địa phát triển.

Bà Lê Huỳnh Kim Ngân, Quản lý quỹ ThinkZone Ventures, nhận định: "Vietnam là một thị trường hấp dẫn. Dân số là nước trong top đông dân của thế giới, thị trường 100 triệu dân, độ phủ dân số vàng, dân số trẻ. Từ sức mua đến thẩm thấu, tiếp nhận sản phẩm mới, đặc biệt công nghệ thì tỷ lệ cao hơn nước khác. Có thể 1 số nước khác dân số tương đồng nhưng dân số già thì chắc chắn sẽ có ít sự biến động thị trường hơn. Khi quỹ đầu tư nhìn vào sẽ nhìn tiềm năng thị trường trẻ, mức độ tiếp nhận thông tin. Vietnam cũng là một nước tiếp cận Internet hiệu quả nhất".

Ông Vinnie Lauria, đại diện quỹ đầu tư Golden Gate Ventures, nói: "Bối cảnh kinh tế toàn cầu năm 2022 và 2023 sẽ không quá khả quan, tuy nhiên, Quỹ tiền tệ quốc tế IMF dự đoán vẫn sẽ có sự tăng trưởng, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á. Các nhà đầu tư mạo hiểm tại Golden Gate Ventures rất háo hức với tiềm năng phát triển của các startup công nghệ trẻ tại Việt Nam".

Theo Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, mặc dù thực tế có sự giảm trong tổng số vốn và số lượng các thương vụ đầu tư trong 9 tháng đầu năm 2022, tuy nhiên, số lượng các thương vụ đầu tư cho giai đoạn sau của các doanh nghiệp là không thay đổi. Ước tính, tổng vốn đầu tư đổi mới sáng tạo vào Việt Nam đến năm 2025 sẽ đạt mốc 5 tỷ USD.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ môi trường đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam hiện nay cơ bản đã dần được hoàn thiện từ môi trường đầu tư tới thể chế và các quy định pháp lý, tạo được sức hút lớn với các quỹ đầu tư quốc tế. Hiện các chuyên gia đánh giá, Việt Nam đang nằm trong Tam giác đầu tư cùng với Singapore và Indonesia. Ước tính, tổng vốn đầu tư đổi mới sáng tạo vào Việt Nam đến năm 2025 sẽ đạt mốc 5 tỷ USD.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước