VNDirect cho rằng đà tăng của thị trường có thể kéo dài nhờ việc nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng và sự tham gia ngày càng nhiều của dòng vốn cá nhân trong nước. Mặt khác, việc nâng hạng lên thị trường mới nổi MSCI của Việt Nam sớm hơn dự kiến cũng giúp thị trường có dư địa tăng giá.
Về các xu thế trong năm 2022, theo VNDirect, giá cả hàng hóa sẽ phân hóa trong năm 2022. Trong đó nhóm dầu khí và hóa chất vẫn tiếp tục xu hướng tăng.
Thứ hai là câu chuyện đẩy mạnh đầu tư công vào cơ sở hạ tầng sẽ hỗ trợ cho nhóm năng lượng, bất động sản và bất động sản khu công nghiệp. Thứ ba, nhiều công ty sẽ được hưởng lợi nhờ sự thăng hoa của kinh tế số sau đại dịch. Cuối cùng, cầu nội địa phục hồi sẽ thúc đẩy các ngành bán lẻ, F&B và du lịch tăng trưởng mạnh nhanh hơn các ngành khác.
"Trong năm 2022, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng EPS (tỉ suất lợi nhuận trên cổ phần) của các công ty niêm yết trên HOSE sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao 23%. Một số ngành dự kiến có sự cải thiện mạnh mẽ về tăng trưởng lợi nhuận, bao gồm hàng hóa công nghiệp và dịch vụ, bán lẻ và bất động sản. Trong khi tăng trưởng lợi nhuận của dầu khí, tiện ích công cộng và công nghệ vẫn duy trì ở mức cao", VNDirect dự báo.
Đối với năm 2023, VNDirect đánh giá tăng trưởng EPS của các công ty niêm yết trên HOSE là 19%, vẫn cao hơn mức tăng trưởng bình quân 12%/năm trong giai đoạn 2017-2020.
VNDirect cũng đánh giá thanh khoản trên thị trường chứng khoán Việt Nam có thể tăng 10-15% vào năm 2022.
Dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước có thể tiếp tục chảy vào thị trường chứng khoán trong bối cảnh lãi suất huy động vẫn đang ở vùng thấp lịch sử. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm của các ngân hàng thương mại bình quân ở mức 5,5%/năm, thấp hơn lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm bình quân giai đoạn 2017-2019 (trước đại dịch COVID-19) là 6,8%-7,0%/năm.
Ngoài ra, VNDirect dự báo lãi suất huy động có thể tăng nhẹ 30-50 điểm cơ bản vào năm 2022, song vẫn thấp hơn đáng kể so với mặt bằng lãi suất trước đại dịch. Trong bối cảnh lãi suất huy động thấp, nhà đầu đầu tư cá nhân sẽ tiếp tục chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác, như đầu tư chứng khoán.
Bên cạnh đó, nếu hệ thống giao dịch chứng khoán mới (KRX) chính thức đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2022 được kỳ vọng cũng giúp giải quyết điểm nghẽn về tỷ lệ ký quỹ giao dịch bằng tiền mặt, từ đó có thể thúc đẩy dòng vốn nước ngoài trở lại Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!