Vinalines cho biết, tổng doanh thu toàn Tổng công ty năm 2013 dự kiến đạt 20.000 tỷ đồng, bằng 94% thực hiện năm 2012. Ảnh: VnEconomy
Đây là những DN có lĩnh vực kinh doanh nằm ngoài ngành nghề chính của Tổng công ty hoặc hoạt động kinh doanh thời gian qua không mấy hiệu quả. Vinalines kỳ vọng, giải pháp tái cơ cấu mạnh mẽ này một mặt sẽ giúp tránh khỏi tình trạng đầu tư dàn trải, mặt khác sẽ có thêm một nguồn lực không nhỏ cho việc đầu tư vào các lĩnh vực, ngành nghề chính của Tổng công ty hiện nay.
Vào năm 2000, khi doanh nghiệp Thương mại dịch vụ tổng hợp cảng Hải Phòng tiến hành cổ phần hóa, Tổng công ty Hàng hải khi đó đã nắm giữ tới 30% vốn, điều này giúp DN được ưu tiên khi cung cấp dịch vụ cho các đơn vị thành viên của Tổng công ty, qua đó đảm bảo việc làm và thu nhập cho trên 1,2 ngàn lao động dôi dư từ các cảng chuyển qua.
Thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, DN đã mở rộng kinh doanh sang một số ngành nghề khác ngoài dịch vụ hàng hải. Kết quả đạt được là vốn chủ sở hữu đã tăng gấp gần 10 lần, khiến tỷ lệ vốn góp của Tổng công ty mẹ giờ giảm xuống còn dưới 10%. Chính sự trưởng thành này cũng đã giúp DN không thấy lo ngại khi Tổng công ty mẹ có kế hoạch thoái vốn khỏi DN.
Trong khi nguồn vốn còn để rải rác ở hàng chục DN ngoài ngành, thì những đơn vị có ngành nghề kinh doanh chính của Vinalines lại phải chật vật xoay sở vì thiếu vốn đầu tư. Chẳng hạn, DN dịch vụ hậu cần cảng VOSA đã phải đề nghị đối tác nước ngoài ứng trước tiền phí và vay thêm của họ một phần vốn để đầu tư hệ thống kho bãi. Tuy đã linh hoạt như vậy nhưng cũng mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu đầu tư, chính vì vậy, chủ trương thoái vốn, tập trung đầu tư vào ngành nghề chính của Vinalines đã được các DN kinh doanh chính của ngành Hàng hải kỳ vọng rất nhiều.
Ông Trịnh Vũ Khoa, Giám đốc Công ty đại lý Hàng hải Việt Nam cho biết: “Theo tính toán, nếu làm triệt để và hiệu quả thì việc thoái vốn tại 37 DN của Vinalines sẽ thu về từ 300-500 tỷ đồng”.
Cho đến nay, tỷ lệ vốn góp của Vinalines tại 37 DN sẽ thoái vốn chiếm chiếm từ 5-40%. Hiện Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đang rà soát và chọn thời điểm thoái vốn thích hợp cho từng doanh nghiệp nhằm đảm bảo hiệu quả thu hồi vốn. Việc thoái vốn sẽ được tiến hành đối với cả những DN thuộc các lĩnh vực được xem là rất hấp dẫn trong thời gian qua như tài chính, ngân hàng, bất động sản và chứng khoán…