Việt Nam vừa “phòng thủ” chống dịch COVID-19, vừa “tấn công” trên mặt trận kinh tế

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 05/07/2020 11:35 GMT+7

VTV.vn - Không chỉ tích cực trong “phòng thủ” dịch bệnh, lúc này Việt Nam phải “tấn công” trên mặt trận kinh tế, xác định nhiệm vụ “chống suy thoái kinh tế như chống giặc”.

Việt Nam vừa đi qua 6 tháng đầu năm 2020 với hành trang khiêm tốn nhưng lạc quan. Khiêm tốn bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 1,81%, mức tăng thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua. Đây cũng là chỉ báo cho thấy, năm nay, tăng trưởng kinh tế sẽ gặp nhiều trở ngại, không như kỳ vọng. Thế nhưng, trên bình diện khác, khi kinh tế trên toàn cầu rơi vào suy thoái, tăng trưởng âm, trong khi đó kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP 1,81%, đây lại là tín hiệu lạc quan. Mức tăng trưởng này cao nhất châu Á và đứng trong nhóm đầu thế giới.

Tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương hôm 2/7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị các cấp, các ngành tuyệt đối không chủ quan, xác định nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế với phương châm "chống suy thoái kinh tế như chống giặc", như tinh thần "chống dịch như chống giặc". Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thậm chí đã phải dùng đến cụm từ "nghiêm trọng" và "khẩn cấp" khi nói về tình hình kinh tế - xã hội hiện nay.

Việt Nam vừa “phòng thủ” chống dịch COVID-19, vừa “tấn công” trên mặt trận kinh tế - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Thực sự là "nghiêm trọng" và "khẩn cấp" khi tăng trưởng GDP quý II chỉ là 0,36% do bị "đứt gãy" thị trường xuất khẩu. 12 địa phương đã công bố tăng trưởng âm như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… Đây là những địa phương hầu hết tăng trưởng đều đang có cơ cấu ngành dịch vụ, du lịch chiếm tỷ trọng lớn, hoặc tăng trưởng lại quá phụ thuộc vào khu vực doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), theo tờ Tiền phong.

Thúc đẩy "cỗ xe tam mã", tạo động lực phát triển đất nước

Kinh tế tăng trưởng thấp sẽ kéo theo hàng loạt vấn đề như: việc làm, an sinh xã hội, nợ xấu, doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường… Thực tế này ảnh hưởng lớn đến thành quả phát triển của đất nước. Vậy nên, câu hỏi đặt ra lúc này là làm gì và làm như thế nào để phục hồi đà tăng trưởng kinh tế?

Nhiều tờ báo ra trong tuần như tờ Đầu tư, Đại đoàn kết đã trích dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ví "cỗ máy" tăng trưởng của Việt Nam như "cỗ xe tam mã" gồm: đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, do đó cần phải dùng mọi biện pháp để 3 con ngựa kéo đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất.

Việt Nam vừa “phòng thủ” chống dịch COVID-19, vừa “tấn công” trên mặt trận kinh tế - Ảnh 2.

"Vừa phòng dịch, vừa tấn công trên mặt trận kinh tế" là mục tiêu kép để Chính phủ tiếp tục theo đuổi. (Ảnh minh họa)

Hiện tăng trưởng là vấn đề rất quan trọng, cần thống nhất chủ trương điều hành linh hoạt các chính sách. Từng bộ, ngành, địa phương phải lập ban chỉ đạo để tháo gỡ vướng mắc đầu tư công, gỡ bỏ các rào cản thủ tục hành chính, đầu tư kinh doanh...

Nếu giải ngân tốt gần 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD thì sẽ tạo động lực cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm và đầu năm 2021. Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế phân tích, cứ tăng thêm 1% giải ngân đầu tư công, GDP sẽ tăng thêm 0,06%.

Trong khi cả Chính phủ và xã hội đang đặt hy vọng vào đầu tư công để phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, thế nhưng tỷ lệ giải ngân đầu tư công - theo phản ánh của báo chí - là quá chậm chạp?

Đã nửa năm trôi qua, nhưng kết quả giải ngân mới đạt 33%, bằng 1/3 kế hoạch. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, đặc biệt là địa phương phải kịp thời giải quyết vướng mắc, trong đó vướng mắc quan trọng hiện nay là giải phóng mặt bằng.

Dồn sức phục hồi kinh tế

Tờ Thanh niên thông tin, Chính phủ sẽ lập đoàn kiểm tra các địa phương, đơn vị nào không giải ngân được thì giao đơn vị khác làm. Chính phủ sẽ coi giải ngân vốn đầu tư công là căn cứ đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ năm nay của các cấp, ngành, địa phương; không để tình trạng sau hội nghị về thì tình trạng trì trệ trong giải ngân vốn đầu tư tiếp tục tái diễn.

Việt Nam vừa “phòng thủ” chống dịch COVID-19, vừa “tấn công” trên mặt trận kinh tế - Ảnh 3.

GDP 6 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam đạt mức tăng trưởng 1,81%. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Yêu cầu chấn chỉnh sự chậm trễ bằng những biện pháp rắn hơn. Những chỉ đạo nghiêm khắc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các bộ, ngành, địa phương được trông đợi là sẽ thúc đẩy tiến độ giải ngân nhanh hơn. Cùng với việc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, các chính sách tài khóa và tiền tệ cũng là giải pháp để kích thích tăng trưởng.

Xem xét nâng trần nợ công để có nguồn kích hoạt kinh tế

Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ Tài chính, đàm phán tiếp nhận các khoản hỗ trợ từ Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế để có nguồn kích hoạt kinh tế, nâng trần nợ công lên mức cần thiết. Nợ công có thể nâng lên 2 - 3%. Nợ công hiện đang ở mức 57%, trong bối cảnh hiện nay, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì phải chấp nhận nới trần nợ công, theo tờ Thời báo Tài chính.

Lúc này, "Vừa phòng dịch, vừa tấn công trên mặt trận kinh tế" là mục tiêu kép để Chính phủ tiếp tục theo đuổi. Để làm được điều này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kịch bản tăng trưởng trong những quý còn lại, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm từ 3% - 4%, tinh thần chống trì trệ và "hành động, hành động hơn nữa".

Nông nghiệp phát triển ổn định vẫn là "bệ đỡ" của nền kinh tế

Nhìn lại chặng đường 6 tháng đầu năm, khi tăng trưởng kinh tế chủ yếu nhờ công nghiệp chế biến chế tạo, các ngành dịch vụ thị trường và hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm… và nông nghiệp thêm một lần nữa là "bệ đỡ" cho nền kinh tế với một số mặt hàng như: cà phê, gạo hay xuất khẩu tôm vẫn tăng trưởng dương.

Dù khó khăn, nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn quyết tâm đạt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 41 tỷ USD và sẽ không thay đổi mục tiêu tăng trưởng, xuất khẩu. Ngành nông nghiệp xác định phương châm khó khăn nhiều thì phải quyết tâm nhiều hơn.

Việt Nam vừa “phòng thủ” chống dịch COVID-19, vừa “tấn công” trên mặt trận kinh tế - Ảnh 4.

Năm nay, tăng trưởng kinh tế sẽ gặp nhiều trở ngại, không như kỳ vọng.

Dịch bệnh COVID-19 dự báo vẫn diễn biến phức tạp, nên Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải bình tĩnh, không chủ quan nhưng tuyệt đối không được bi quan. Lúc này, cùng với các biện pháp để chống suy giảm kinh tế, biện pháp quan trọng trước tiên chính là tập trung chống bằng được sự trì trệ khi triển khai các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế trong cả ngắn hạn, lẫn trung và dài hạn.

Theo tờ Đại biểu nhân dân, vẫn còn khoảng cách từ chính sách đến thực thi, vẫn còn phản ứng quá chậm chạp của cơ quan quản lý nhà nước trong triển khai thực thi chính sách.

Vì vậy, để chống suy thoái kinh tế, trước hết, phải chống trì trệ, chậm chạp trong triển khai thực thi chính sách, chống tư duy "quyền anh, quyền tôi" trong hoạch định chính sách, trong quản lý nhà nước vẫn đang "cắm rễ" ở một bộ phận cán bộ, một số bộ, ngành và chính quyền địa phương.

Kinh tế toàn cầu 6 tháng đầu năm: Những khoảng tối chưa từng thấy Kinh tế toàn cầu 6 tháng đầu năm: Những khoảng tối chưa từng thấy

VTV.vn - Bức tranh kinh tế châu Âu cũng xuất hiện một loạt khoảng tối chưa từng thấy khi dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng ở tất cả các nền kinh tế chủ chốt của châu lục.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước