Việt Nam: Trọng tâm trong chính sách kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản

Quang Hưng, Đức Cường (PV Đài THVN thường trú tại Nhật Bản)-Thứ hai, ngày 19/10/2020 09:34 GMT+7

VTV.vn - Các chuyên gia kinh tế của Nhật Bản nhận định Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung là trọng tâm trong chính sách kinh tế mới của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide.

Sáng nay (19/10), lễ đón chính thức Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide sẽ diễn ra tại phủ Chủ tịch dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Suga, diễn ra chỉ một tháng sau khi nhậm chức và là lần thứ hai liên tiếp một Thủ tướng mới của Nhật Bản chọn Việt Nam là nước đi thăm đầu tiên sau khi nhậm chức.

Trong chương trình dự kiến, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide sẽ cùng hội đàm, chứng kiến ký kết văn kiện và gặp gỡ báo chí.

Về kinh tế, Nhật Bản hiện là nước tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư lớn thứ hai (tính theo số lũy kế), đối tác du lịch lớn thứ ba, đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam.

Việt Nam: Trọng tâm trong chính sách kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide từ nơi đón chính thức đến phòng hội đàm (Ảnh: TTXVN)

Theo đánh giá của ông Hiroyuki Moribe, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Việt Nam, Chính phủ Nhật Bản sẽ tăng cường các chương trình khuyến khích doanh nghiệp mở rộng đầu tư xây dựng chuỗi cung ứng tại Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là trọng tâm, bao gồm cả biện pháp cơ chế và hỗ trợ chi phí xây dựng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị, nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng tại các nước Đông Nam Á.

"Ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ khiến các doanh nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc gặp khó khăn khi làm ăn với Mỹ, các cơ sở sản xuất tại Việt Nam là địa điểm lý tưởng để thay thế. Chống dịch COVID-19 thành công, phục hồi sản xuất sẽ thúc đẩy xu hướng mở rộng sản xuất tại Việt Nam", ông Hiroyuki Moribe nhận định.

Theo dự báo của chuyên gia Nhật Bản, đầu tư trực tiếp FDI sẽ tăng mạnh không chỉ trong lĩnh vực sản xuất, mà còn mở rộng sang lĩnh vực dịch vụ, do mức sống và nhu cầu của người Việt Nam tăng lên. Các thương hiệu lớn như Uniqlo hay Muji nhanh chóng đầu tư vào Việt Nam là biểu hiện rõ nét. Tới đây, các doanh nghiệp bán lẻ của Nhật Bản sẽ tham gia mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam.

Việt Nam: Trọng tâm trong chính sách kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản - Ảnh 2.

Ông Hiroyuki Moribe, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Ông Hiroyuki Moribe đánh giá, châu Á là khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh nhất thế giới, trong đó trung tâm nổi bật là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN.)

"Tôi nghĩ đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam sẽ tăng trưởng theo hình chữ V. Đầu tiên phải nói đến lĩnh vực dịch vụ khi thu nhập và mức sống của người dân Việt Nam tăng nhanh. Số lượng người cao tuổi tại Việt Nam đang gia tăng và chăm sóc người già trở thành lĩnh vực tiềm năng trong hợp tác giữa hai nước", ông Hiroyuki Moribe cho hay.

Dư luận Nhật Bản đang nói nhiều tới làn sóng "Việt Nam + 1", tức là đề cập tới câu chuyện những công ty Nhật Bản đang làm ăn tại Việt Nam có kế hoạch đầu tư thêm để mở rộng hoạt động. Chuyến thăm của Thủ tướng Suga Yoshihide là động lực lớn để thúc đẩy làn sóng Việt Nam + 1.

Tính đến cuối năm 2019, hơn 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh. Trong năm 2019, Nhật Bản đứng thứ 2 về FDI với tổng vốn đăng ký đạt hơn 59 tỷ USD.

Tân Thủ tướng Nhật Bản và Phu nhân bắt đầu thăm chính thức Việt Nam Tân Thủ tướng Nhật Bản và Phu nhân bắt đầu thăm chính thức Việt Nam

VTV.vn - Chiều 18/10/2020, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Phu nhân bắt đầu thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước