Trong khi đó, Ngân hàng HSBC đánh giá, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với doanh nghiệp nước ngoài. Hiện đã có 147 quốc gia, vùng lãnh thổ hiện có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký hơn 89,1 tỷ USD (chiếm 17,9% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam). Singapore đứng thứ hai với gần 82,3 tỷ USD. Tiếp theo lần lượt là các thị trường lớn khác như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)...
Theo Oxford Economics, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, mặc dù tốc độ có thể chậm lại một chút. Hiện tại, các doanh nghiệp FDI đóng góp tới 75% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, và dòng vốn này dự báo sẽ tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu nhờ lo ngại về thuế cao đối với hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, Oxford Economics cũng chỉ ra rằng, dòng vốn FDI vào Việt Nam có thể giảm tốc vào đầu năm 2025 do sự bất định liên quan đến khả năng Mỹ áp thuế đối với hàng hóa từ Việt Nam. Nếu điều này xảy ra, mức thuế 10% sẽ được áp lên các mặt hàng như ô tô, kim loại và pin năng lượng mặt trời. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng những tác động từ thuế suất này sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến Việt Nam trong năm 2025 do độ trễ giữa thời điểm tuyên bố và thực thi thuế.
Báo cáo của Oxford Economics nhận định, ảnh hưởng của các biện pháp thuế quan có thể chỉ bắt đầu rõ rệt từ năm 2026. Tuy nhiên, với nền tảng sản xuất vững chắc và vị trí chiến lược trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam sẽ duy trì khả năng phục hồi tốt và tiếp tục hưởng lợi từ chiến lược Trung Quốc +1.
Trong ngắn hạn, dòng vốn FDI năm nay được kỳ vọng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nội địa. Theo dự báo, tăng trưởng về đầu tư FDI trong năm 2025 tại Việt Nam có thể đạt 7,2%, cao hơn mức 6,9% được dự báo cho năm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!