Thỏa thuận Paris được các quốc gia thông qua tại COP 21 với cam kết thực hiện giảm phát thải khí carbon gây hiệu ứng nhà kính. Đây là mối quan tâm của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam khi thực hiện đóng góp quốc gia và cải cách chính sách nhằm hướng đến phát triển phát thải khí carbon thấp.
Hội nghị "Đối thoại chiến lược thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu" vừa diễn ra tại Hà Nội với sự góp mặt của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học là một bước quan trọng trong thực hiện kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính.
6 tháng đầu năm 2016, nền nhiệt trung bình trên thế giới đã tăng 0,2 độ C so với cùng kỳ năm 2015. Điều này cho thấy sự ảnh hưởng của vấn đề khí nhà kính. Đây là đánh giá của nhiều chuyên gia về biến đổi khí hậu tại hội nghị này. Để giải quyết, việc đẩy nhanh thực hiện Thỏa thuận Paris về giảm phát thải khí nhà kính là mục tiêu quan trọng.
Tất cả các quốc gia tham gia Thỏa thuận Paris đều có chung một khó khăn là vấn đề tài chính. Mặc dù mức độ tài chính khác nhau nhưng để tiết kiệm chi phí cho giảm nhẹ biến đổi khí hậu, nhiều chuyên gia cho rằng tăng cường hợp tác thông qua mua bán carbon sẽ giúp giảm phát thải trên quy mô lớn và chi phí thấp.
Chính vì thế, hiện nay, hơn 100 quốc gia trên thế giới đang nghiên cứu đưa ra sáng kiến định giá carbon vào cam kết Đóng góp quốc gia thông qua buôn bán carbon, cấp tín chỉ, đánh thuế carbon và các biện pháp khác.
"Muốn thu hút được nguồn vốn tư nhân, Chính phủ cần có cơ chế ổn định và dễ dự đoán để khu vực tư nhân yên tâm về những ưu đãi. Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ phân bổ nhiều hơn vốn hỗ trợ biến đổi khí hậu như tăng 21% - 28% trong tổng vốn đầu tư và hỗ trợ cho các quốc gia, tương đương 29 tỷ USD/năm đến 2020. Bên cạnh đó, WB sẽ giúp các quốc gia xây dựng chính sách, cơ chế phù hợp để thực hiện cam kết Đóng góp quốc gia", ông Jonh Roome - Giám đốc cao cấp về biến đổi khí hậu, Ngân hàng Thế giới phân tích.
Việt Nam có tốc độ tăng trưởng năng lượng rất cao nên để đáp ứng được tốc độ đó, sử dụng năng lượng hóa thạch sẽ có mức chi phí rẻ nhất. Vậy làm thế nào để cân đối giảm nhẹ phát thải nhà kính với tăng trưởng năng lượng phục vụ phát triển kinh tế là bài toán mà Chính phủ Việt Nam phải xử lý đến 2020 nếu muốn đảm bảo cam kết đã trình Liên Hợp Quốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!