Tròn một tháng tới, Hiệp định Tự do thương mại EVFTA sẽ chính thức đi vào hiệu lực với nhiều lợi ích. Tuy nhiên để biến tất cả dự định thành hiện thực, nhiều rảo cản trong môi trường kinh doanh cần phải được xóa bỏ. Đây là nội dung chính được bàn luận trong Hội nghị đối thoại về Cải cách quy định hành chính: Chìa khóa thực thi thành công EVFTA và công bố Sách trắng 2020 do Phòng Thương mại Công nghiệp châu Âu (Eurocham) tổ chức sáng nay (30/6).
Nhìn nhận về những vướng mắc trong môi trường kinh doanh, đại diện Eurocham cho hay, nhiều hàng rào còn đang quá cao với nhà đầu tư EU khi tiếp cận thị trường Việt Nam như: còn hơn 200 ngành kinh doanh có điều kiện, hay giới hạn lớn về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: VGP)
"Quy định "Kiểm tra nhu cầu kinh tế" đang rất không công bằng với doanh nghiệp phân phối bán lẻ muốn vào Việt Nam. Trong khi đó, quy trình thông báo kiểm soát sáp nhập là một quy trình rườm rà, mất thời gian và làm chậm đáng kể tiến độ thực hiện giao dịch M&A" - ông Antoine Logeay, Tiểu ban Pháp luật, Eurocham, nhận định.
Ngoài ra, Dự thảo Nghị định Người lao động nước ngoài tại Việt Nam cũng đang quy định chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn của công ty TNHH có vốn góp từ 5 tỷ đồng trở lên không phải xin giấy phép lao động. Tuy nhiên, phía EU nhìn nhận đây là ngưỡng không phù hợp.
"Ngưỡng đầu tư 5 tỷ đồng đối với nhà đầu tư nước ngoài là rất cao và quy định này không khuyến khích lao động và đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Ngoài ra chúng tôi kiến nghị áp dụng thời gian miễn giấy phép lao động dài hơn vì chuẩn bị và xin giấy phép hiện đang mất 2 - 3 tháng" - ông Joshua James, Tiểu ban Nguồn nhân lực và Đào tạo, Eurocham, cho hay.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VGP)
Phản hồi về nhiều bất cập của người lao động nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam khi các địa phương đang có sự không nhất quán, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, đã có những cam kết mạnh mẽ: "Việc giải quyết cho các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư, lao động, hay người nhà của các nhà đầu tư được cấp visa nhập cảnh Việt Nam, nếu Văn phòng Chính phủ nhận được văn bản, chúng tôi đảm bảo giải quyết trong phạm vi 1 ngày. Dù đang trong giai đoạn chống dịch, nhưng chúng ta vẫn nới lỏng, tạo điều kiện cho vấn đề thông thương, để nối lại chuỗi cung cầu vừa qua".
Việt Nam cũng cam kết từ năm 2020 - 2025 cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% quy định và chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh, giảm tối đa số lượng văn bản và kiểm soát chặt việc ban hành văn bản có quy định về hoạt động kinh doanh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!