Tại Việt Nam, việc thu thuế của các ông lớn công nghệ này đã được thực hiện như thế nào? Liệu có một hình thức nào tương đương với thuế kỹ thuật số của Pháp hay chưa? Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hiệp hội tư vấn thuế Việt Nam đã chia sẻ thêm về vấn đề này ngay sau đây:
Hiện nay các DN công nghệ, kỹ thuật số ở Việt Nam đang phải nộp 2 loại thuế là thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp. Còn các DN nước ngoài cung ứng dịch vụ công nghệ, kỹ thuật số tại Việt Nam mới chỉ phải nộp thuế nhà thầu. Chưa kể, ngành thuế hầu như cũng không thu được thuế thu nhập cá nhân của các cá nhân Việt Nam đang được các DN nước ngoài chi trả. Điều này vô hình chung đã trở thành tình trạng "bảo hộ ngược". Các doanh nghiệp trong nước hiện phải chịu nhiều thiệt thòi hơn so với các doanh nghiệp xuyên biên giới.
Tuy nhiên, đó chỉ là câu chuyện của hiện tại bởi trong tương lai, tình trạng "bảo hộ ngược" này sẽ thay đổi. Luật Quản lý thuế sửa đổi vừa mới được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, có bổ sung các quy định liên quan đến quản lý thuế đối với thương mại điện tử.
Theo đó, luật cho phép các nhà cung cấp không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nhưng có hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam phải có nghĩa vụ đăng ký thuế, khai và nộp thuế tại Việt Nam.
Ngoài ra, luật còn quy định rõ trách nhiệm của các bộ ngành liên quan như Bộ Thông tin - Truyền thông, Ngân hàng nhà nước phối hợp với cơ quan thuế cung cấp, xác định thông tin giao dịch đối với hoạt động thương mại điện tử. Đây được coi là biện pháp mạnh mẽ của Việt Nam nhằm chống thất thu thuế đối với các dịch vụ thương mại xuyên biên giới, lập lại môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!