Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung nguyên phụ liệu dệt may

Theo TTXVN-Thứ ba, ngày 13/10/2015 06:51 GMT+7

Hội nghị Hợp tác dệt may Việt Nam- Ấn Độ đã diễn ra chiều 12/10 tại Hà Nội. (Ảnh: TTXVN).

VTV.vn - Để phục vụ nhu cầu về các mặt hàng vải, sợi, nguyên phụ liệu dệt may tăng nhanh trong thời gian tới, việc đa dạng hóa nguồn cung cấp nguyên liệu rất cấp thiết.

Để phục vụ sản xuất trong nước, nhu cầu về các mặt hàng vải, sợi, nguyên phụ liệu dệt may tăng nhanh trong thời gian tới, việc phụ thuộc quá nhiều vào một vài nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu sẽ hạn chế phát triển và sản xuất của các doanh nghiệp. Do đó, việc đa dạng hóa nguồn cung cấp nguyên liệu ngoài khu vực ASEAN và Trung Quốc là một trong những nhu cầu cấp thiết của ngành dệt may Việt Nam và Ấn Độ có thể là giải pháp phù hợp trong điều kiện hiện nay.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã chia sẻ như vậy tại Hội nghị Hợp tác dệt may Việt Nam - Ấn Độ chiều 12/10 tại Hà Nội do Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng tổ chức.

Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, các sản phẩm vải, sợi tự nhiên, bông và nguyên phụ liệu dệt may của Ấn Độ có chất lượng tốt, đa dạng và theo cam kết giữa hai bên trong Hiệp định FTA ASEAN - Ấn Độ, dệt may là một trong số những mặt hàng hai bên cam kết giảm thuế, vì vậy giá bán tương đối cạnh tranh. Có thể thấy đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thêm một nguồn cung cấp nguyên liệu sản xuất, nếu tận dụng được nguồn nguyên phụ liệu dồi dào từ Ấn Độ, việc chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh mặt hàng có chất lượng cao và xuất khẩu sẽ thuận lợi hơn.

Thống kê từ Bộ Công Thương, quan hệ song phương Việt Nam - Ấn Độ đã có những bước tăng trưởng mạnh mẽ với tổng kim ngạch hai chiều lên đến 5,59 tỷ USD năm 2014, tăng 9,84% so với năm 2013. Việt Nam đã xuất khẩu 2,46 tỷ USD hàng hóa sang Ấn Độ chủ yếu là máy tính, điện tử, điện thoại di động và phụ kiện, linh kiện ô tô, cao su, hóa chất, hạt tiêu, sợi các loại và gỗ... Ngược lại, Việt Nam đã nhập khẩu 3,13 tỷ USD từ thị trường này gồm máy móc thiết bị, hải sản, dược phẩm, ngô, sắt thép, gia súc, xăng dầu.

Tại Hội nghị, ông Vishvajit Sahay, Tổng Vụ Công nghiệp nặng Ấn độ cho hay, mỗi năm Ấn Độ xuất khẩu sang Việt Nam khoảng 400 triệu USD giá trị sản phẩm dệt may. Cùng đó, Ấn Độ hiện cũng là nhà sản xuất các sản phẩm cotton, lụa, vải xenlulo và sợi cotton lớn thứ nhì thế giới, đạt giá trị khoảng 100 tỉ USD/năm, trong đó 40 tỉ USD là từ xuất khẩu. Nguyên liệu dệt may của Ấn Độ có chất lượng tốt, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nhập nhiều là do khó khăn về khâu thanh toán và vận chuyển mất nhiều thời gian.

Thực tế, không phải bây giờ Ấn Độ mới nhắm đến thị trường dệt may Việt Nam. Năm ngoái, Chính phủ nước này đã thông qua một chương trình tín dụng dành cho các dự án hợp tác giữa ngành dệt may Ấn Độ và Việt Nam trị giá 300 triệu USD. “Gói tín dụng này dành ưu đãi cho doanh nghiệp Ấn Độ có tham gia xuất khẩu, đầu tư vào thị trường Việt Nam; hoặc những doanh nghiệp Việt Nam có hợp tác hoặc muốn nhập khẩu nguyên liệu dệt may từ Ấn Độ” - ông Vishvajit Sahay khẳng định.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước