Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc thu hút nguồn tài chính xanh

VTV Digital-Thứ năm, ngày 08/12/2022 14:03 GMT+7

VTV.vn - Ông Giorgio Aliberti - Đại sứ của Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc thu hút nguồn tài chính xanh.

Theo ước tính, Việt Nam cần khoảng 30 tỷ USD để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030, trong đó, nguồn Ngân sách Nhà nước ước tính chỉ đáp ứng tối đa 30% nguồn lực, do vậy Việt Nam cần tăng cường huy động nguồn tài chính từ các định chế tài chính, các quỹ và các nhà đầu tư tư nhân quốc tế cho tăng trưởng xanh.

Phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với ông Giorgio Aliberti - Đại sứ của Liên minh châu Âu tại Việt Nam về tiềm năng và khuyến nghị cho việc thu hút tài chính xanh của Việt Nam.

Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng thu hút nguồn tài chính xanh của Việt Nam, thưa ông?

Ông Giorgio Aliberti: Tôi nghĩ Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc thu hút nguồn tài chính xanh vì các bạn định vị mình trên trường quốc tế là một đất nước hướng đến tăng trưởng xanh. Bắt đầu từ năm ngoái khi Thủ tướng tuyên bố tại COP26 về kế hoạch đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, cho thấy sự ủng hộ và nỗ lực của Chính phủ để thực hiện mục tiêu đó. Từ góc độ quốc tế, chúng tôi bày tỏ nhiều sự quan tâm và hứng thú với điều này.

Việt Nam có lợi thế quan trọng là có rất nhiều Hiệp định thương mại tự do FTA - điều này là độc nhất vô nhị và tất nhiên các bạn đồng thời có những dự án thực tiễn về năng lượng xanh ở miền Nam như Bình Dương. Đó là những dấu hiệu mạnh mẽ giúp các nhà đầu tư sẵn sàng rót vốn.

Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc thu hút nguồn tài chính xanh - Ảnh 1.

Ông Giorgio Aliberti - Đại sứ của Liên minh châu Âu tại Việt Nam.

Theo ông thách thức lớn nhất với việc thu hút nguồn tài chính xanh ở Việt Nam hiện nay là gì? Việt Nam cần làm gì để huy động nguồn vốn này?

Ông Giorgio Aliberti: Thách thức lớn nhất là khung chính sách cho việc đầu tư. Chính phủ vẫn cần tạo điều kiện hơn nữa cho các nguồn vốn ngoại vào Việt Nam, ví dụ các giấy tờ thủ tục hiện nay vẫn còn phức tạp. Khó khăn nữa là chuyển đổi xanh đòi hỏi sự thay đổi của rất nhiều ngành, từ giao thông, nông nghiệp đến năng lượng.

Đầu tiên các bạn hãy đưa ra một tín hiệu mạnh mẽ tới thế giới về quyết tâm chuyển đổi xanh, không chỉ về mặt lời nói mà cả hành động. Ví dụ, tại sự kiện Đối tác Đầu tư và Cơ sở hạ tầng toàn cầu diễn ra bên lề Thượng đỉnh G20 ngày 15/11 ở Bali, Indonesia, lãnh đạo các nước Mỹ, Nhật, Canada, Anh, Liên minh châu Âu… đã cùng nhau tham dự công bố thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) mới do Indonesia đề xuất. Chúng tôi hy vọng Việt Nam cũng sớm đưa ra những tín hiệu tương tự như vậy. Chúng ta cũng cần đơn giản hoá thủ tục đầu tư, giúp thị trường tài chính phát triển hơn nữa như là khiến trái phiếu xanh trở nên phổ biến hơn.

Xin ông chia sẻ kinh nghiệm huy động nguồn vốn xanh ở châu Âu?

Ông Giorgio Aliberti: Từ kinh nghiệm của EU, tôi thấy quan trọng nhất là nguồn thông tin chính xác. Để phát hành trái phiếu xanh, bạn cần xác định được thông tin chuẩn xác về các công ty, điều này rất quan trọng. Nó không hề dễ vì bây giờ ai ai cũng muốn xanh, ai cũng nói về tái tạo.

Tuy nhiên, hiện có thuật ngữ "green washing", có nghĩa là nhiều công ty trình bày các hoạt động của họ đều là xanh kể cả khi thực tế không phải vậy. Nếu các bạn không đưa ra được thông tin chính xác thì dòng tiền sẽ không đi đúng hướng được. Thế nên hãy cẩn trọng với tên gọi của các công ty, không phải cứ có chữ xanh là xanh đâu.

Hãy đặt ra những tiêu chuẩn cao và đảm bảo thông tin đưa ra bởi các công ty là hợp lý. Cần phải có luật ban hành về việc công bố thông tin của các công ty và sau đó cần đảm bảo dịch vụ tài chính thuận tiện để bán các trái phiếu xanh này. Cả hệ thống cần phải được chuẩn bị tốt, để giúp các nhà đầu tư đưa ra lựa chọn của mình một cách thuận tiện.

Xin cảm ơn ông!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước