Bà Mạnh Vãn Chu. (Ảnh: Reuters)
Ngay sau vụ việc Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính (CFO) của Huawei theo yêu cầu của Mỹ, các chuyên gia đã có quan điểm rằng, đây không chỉ thuần tuý là một vụ việc liên quan đến cấm vận, hay thậm chí thương mại, mà quan trọng hơn nó còn phản ánh cuộc chạy đua về vị thế giữa 2 quốc gia Mỹ - Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ.
Ông Nick Bisley, Đại học La Trobe, Australia nói: "Quan điểm của Washington lúc này không chỉ còn là vấn đề giảm thâm hụt hay mang việc làm trở lại, mà họ cũng muốn giảm khả năng cạnh tranh chiến lược của Trung Quốc với mình".
Điều này càng được chứng minh khi bên cạnh vụ bắt giữ, Mỹ và các đồng minh cũng đang liên tục ngăn chặn Huawei - hãng công nghệ hàng đầu Trung Quốc - tham gia hạ tầng mạng 5G. Tuy nhiên, điều này không phải là không có rủi ro.
Một bài báo từ Bloomberg nhận định, các biện pháp siết chặt công nghệ của Mỹ hoàn toàn có thể gây tác dụng ngược, khi mà các doanh nghiệp Mỹ vẫn phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc. Việc nước này chặn vụ hãng chip Mỹ Qualcomm thâu tóm đối thủ NXP trong căng thẳng thương mại là ví dụ cho thấy Bắc Kinh không hề ngán trả đũa.
Ông Tim Culpan, chuyên gia phân tích của Bloomberg cho biết: "Huawei cực kì quan trọng với tham vọng công nghệ chiến lược của Trung Quốc. Nếu Mỹ có động thái trừng phạt nặng tay với Huawei như cấm bán thiết bị, Trung Quốc hoàn toàn có thể chấp nhận thiệt hại để đưa ra lệnh cấm tương tự".
Để có thể nằm ngoài tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, các doanh nghiệp Mỹ sẽ cần một chiến lược đa dạng hoá dài hơi và tốn kém. Theo kết luận của Bloomberg, Mỹ có thể bắt một Giám đốc Trung Quốc nhưng Trung Quốc đang giữ cả một nền công nghệ Mỹ trong tay mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!