Vì sao xế hộp Trung Quốc giá “siêu rẻ” vẫn không "được lòng" khách Việt?

Theo Dân trí-Thứ hai, ngày 02/11/2020 07:13 GMT+7

VTV.vn - Hầu hết mẫu xe của Trung Quốc về Việt Nam đều có mẫu mã khá đẹp và giá dưới 800 triệu đồng, nhưng sau bao lần ra mắt rầm rộ, các dòng xe này vẫn phải ra đi trong im lặng.

Ô tô nội địa Trung Quốc "khó sống" ở chính quốc

Theo thống kê, trong top 10 mẫu xe bán chạy nhất thị trường Trung Quốc năm 2019 chỉ có ba mẫu xe nội địa là Haval H6, Wuling Hongguang và Buick Excelle GT, còn lại đều là các hãng xe ngoại như Volkswagen, Nissan, Toyota, Honda... Riêng Volkswagen có 4 mẫu trong 10 mẫu có doanh số cao nhất.

Vì sao xế hộp Trung Quốc giá “siêu rẻ” vẫn không được lòng khách Việt? - Ảnh 1.

Mẫu ăn khách tại Trung Quốc Haval H6 chưa được bán tại Việt Nam. Hiện xe Trung Quốc tại Việt Nam chủ yếu là các mẫu xe ít tên tuổi, ít doanh số tại Trung Quốc.

Các mẫu xe nhập về Việt Nam như Zotye, Baic, Geely, DongFeng, BYD, Lifan, Haima đều không được người Trung Quốc săn đón nhiều. Tổng doanh số của các hãng xe này cũng đúng ở vị trí thứ 20 trong danh sách hàng trăm nhà sản xuất xe tại Trung Quốc.

Do thu nhập tăng lên, người dân Trung Quốc ngày càng thích sở hữu những chiếc xe có thương hiệu từ nước ngoài hoặc liên doanh. Đáng nói, thị trường tỷ dân này chuộng nhất là các mẫu xe Đức như Volkswagen, Audi hay Mercedes-Benz.

Vì vậy, các hãng này cũng đều sản xuất những phiên bản dành riêng cho người Trung Quốc. Các mẫu xe của Đức ở Trung Quốc có thiết kế đẹp hơn, nội thất tích hợp nhiều công nghệ hơn. Ngay cả các hãng xe của Nhật như Honda, hay của Hàn như Hyundai cũng sản xuất phiên bản dành riêng cho người tiêu dùng Trung Quốc. Mục đích lớn nhất của các hãng xe này là doanh số và sự cạnh tranh.

Đã qua rồi thời kỳ người Trung Quốc chấp nhận mua và sử dụng các mẫu xe giá rẻ, nội địa mà thay vào đó phải là những chiếc xe có giá cả phải chăng, thương hiệu quốc tế và tiêu chuẩn nội thất, công nghệ chất lượng toàn cầu…

Dù là nước sản xuất, lắp ráp ô tô lớn nhất thế giới, trung bình trên 20 triệu chiếc/năm và là thị trường có tiềm năng lớn nhất với quy mô hàng tỷ người dùng, nhưng Trung Quốc vẫn chưa xây dựng được thương hiệu ô tô mạnh, có danh tiếng trên toàn cầu.

Điều này khiến cho các hãng xe nước này khi ra thị trường nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn và thách thức. Dù tại thị trường châu Âu, Mỹ, hay ngay cả thị trường nhỏ bé như Việt Nam, xe nội địa Trung Quốc cũng lần lượt thất bại hoặc chỉ chiếm thị phần rất nhỏ.

Lý do chính là các hãng xe Trung Quốc phải đối diện với quá nhiều đối thủ tên tuổi trong ngành sản xuất ô tô. Trong đó, đặc biệt là các "ông lớn" xe hơi châu Á như Honda, Toyota, Nissan, Mitsubishi... của Nhật Bản hay Hyundai, Kia của Hàn Quốc. Chưa kể, những tên tuổi đến từ châu Âu như BMW, Audi, Mercedes hay từ Mỹ như Ford, GM.

Xét về lợi thế quy mô, Trung Quốc chỉ có vài hãng xe có quy mô sản xuất lớn do lượng tiêu thụ khả quan. Các mẫu xe nội địa nước này nổi nhất là Haval H6, Wuling Hongguang và Buick Excelle GT. Đây đều là các mẫu có doanh số hàng trăm nghìn chiếc/năm. Riêng năm 2019, mẫu xe Haval H6 có doanh số gần 400.000 chiếc, bằng tổng doanh số bán xe ô tô du lịch ở Việt Nam.

Người Việt khó tính khi dùng xe?

Theo giới chuyên gia về ô tô, thị trường xe hơi Việt Nam dù nhỏ nhưng có dư địa và tăng trưởng rất tốt. Các yếu tố như giá xe cao, nhu cầu xe phổ thông, xe giá rẻ vẫn còn nhiều, tỷ lệ sở hữu xe hơi thấp nhất trong khu vực và nhu cầu xe hơi cho mỗi gia đình, cá nhân đang ngày một lớn... điều này thúc đẩy sự phát triển của thị trường xe hơi trong trung và dài hạn.

Vì sao xế hộp Trung Quốc giá “siêu rẻ” vẫn không được lòng khách Việt? - Ảnh 2.

Dù thị trường Việt khao khát xe giá rẻ, nhưng đối với xe Trung Quốc, để chinh phục người Việt còn cả một chặng đường dài.

Tuy nhiên, đối với người Việt, xe Trung Quốc giá rẻ, ngập tràn công nghệ lại bị dò xét về yếu tố xuất xứ. Nguyên nhân chính là bởi các hãng xe nội địa Trung Quốc này vẫn chưa khẳng định được chỗ đứng ngay tại thị trường nơi nó sinh ra.

Hơn nữa, người Việt vẫn bị ám ảnh về chất lượng của xe máy Trung Quốc hơn 20 năm trước. Xe máy Trung Quốc thời điểm đó cũng ồ ạt vào Việt Nam với giá siêu rẻ khiến đa số người dân Việt Nam đều có thể mua được. Nhưng các mẫu xe đó lại hư hỏng nhanh chóng khiến phần đông người Việt đến giờ vẫn còn ái ngại xe Trung Quốc. Do đó, dễ hiểu vì sao người Việt thường có tâm lý "gạt" xe Trung Quốc ra khỏi giỏ hàng xe hơi dù không hiểu gì về công nghiệp xe hơi nước này.

Một nguyên nhân chủ quan khác đó là xe hơi ở Việt Nam đang được mặc định giá quá cao so với thu nhập thấp của đại bộ phận người dân. Vì vậy, người mua xe phải đặt ra khá nhiều điều kiện với chiếc xe mà họ sẽ mua. Đó là phải mẫu mã đẹp, chất lượng, bền bỉ, không lỗi mốt, đi vài năm vẫn bán được giá cao. Vì thế, hiện đa phần người Việt vẫn dựa vào độ uy tín của thương hiệu xe để mua.

Với sự "khó tính" này, các mẫu xe giá rẻ chưa hẳn đã được nhiều người đón nhận. Trong khi đó, những mẫu xe có "thương hiệu", ít thay mẫu, giữ giá, thậm chí có giá đắt vẫn được chọn lựa tích cực.

Một điểm yếu nữa của xe Trung Quốc tại Việt Nam là chưa đồng bộ. Sau nhiều năm, chỉ có MG (hãng xe Anh) nhưng được doanh nghiệp Trung Quốc mua lại lập 5 chi nhánh phân phối độc quyền tại việt Nam, còn lại, các mẫu xe khác đều qua một đầu mối, chưa có đại lý chính thức, phân phối và bảo hành. Điều này khiến nhiều người Việt lo ngại khi bảo hành và sử dụng lâu dài ở Việt Nam.

Việc một loại hãng xe, thương hiệu xe không thiết lập đại lý, chi nhánh riêng cho thấy các hãng xe Trung Quốc thực sự chưa dám dấn sâu vào Việt Nam. Điều này khiến họ không tạo được làn sóng tiêu dùng và điểm nhấn đáng kể đối với khách Việt.

Tesla muốn xuất khẩu xe điện sản xuất tại Trung Quốc Tesla muốn xuất khẩu xe điện sản xuất tại Trung Quốc

VTV.vn - Hãng sản xuất xe ô tô điện Tesla muốn xuất khẩu xe làm tại nhà máy ở Thượng Hải sang các thị trường châu Á và châu Âu.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước