Vì sao lãi suất liên ngân hàng thấp kỷ lục nhưng doanh nghiệp chưa muốn vay?

Huy Hoàng-Thứ năm, ngày 25/06/2020 05:49 GMT+7

VTV.vn - Lãi suất liên ngân hàng thấp nhất trong 11 năm ở mức 0,175%, hệ thống ngân hàng đang dồi dào thanh khoản. Tuy nhiên, doanh nghiệp chưa muốn vay vốn để kinh doanh.

Lãi suất liên ngân hàng hiểu một cách đơn giản là lãi suất các ngân hàng cho vay lẫn nhau, hay mua trái phiếu của nhau với mức lãi suất nào đó, trong chuyên môn còn gọi là giao dịch trên thị trường 2. Còn việc người dân, doanh nghiệp giao dịch với ngân hàng là trên thị trường 1.

Việc các ngân hàng vay mượn lẫn nhau có thể là vay qua đêm, có thể là ngắn hạn để đảm bảo các chỉ tiêu an toàn LDR - chỉ tiêu dư nợ tín dụng/vốn huy động, hay đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo quy định.

Trước đây, có thời điểm mức này lên đến 3%, thậm chí 4%. Vậy khi thấp như hiện nay, hiểu đơn giản là chi phí vay vốn của các ngân hàng rẻ đi, từ đó sẽ giúp ngân hàng có cơ hội để thúc đẩy giải ngân cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Vậy vì sao lãi suất liên ngân hàng lại có thể giảm như vậy?

Thứ nhất, do lượng tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước 147.000 tỷ đã đến hạn nhưng Nhà nước không hút tiền về mà đưa vào hệ thống ngân hàng. Thứ hai, số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng thương mại ổn định. Thứ ba, sự hấp thụ của doanh nghiệp, của nền kinh tế suy giảm dù mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm từ 0,5 - 2%.

Vì sao lãi suất liên ngân hàng thấp kỷ lục nhưng doanh nghiệp chưa muốn vay? - Ảnh 1.

Lãi suất liên ngân hàng thấp nhất trong 11 năm. Ảnh minh họa.

Lãi suất liên ngân hàng giảm thấp nhưng doanh nghiệp chưa muốn vay

Do dịch COVID-19 không xuất được hàng nên một số doanh nghiệp cũng không có nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất như mọi năm.

Ông Nguyễn Trọng Phi - Chủ tịch Giovanni Group nói: "Nhu cầu sử dụng vốn chưa phải vấn đề cấp bách, quan trọng là tái cơ cấu lại nguồn vốn vay cũ. Chúng tôi đang đẩy mạnh số hoá doanh nghiệp, cũng như mở rộng sản xuất vào năm tới. Khi kinh tế thế giới phục hồi đó mới là thời điểm chúng tôi cần vốn mới".

Doanh nghiệp khó khăn, nhu cầu vốn giảm sút, khiến từ đầu năm đến nay, cho vay của các ngân hàng chỉ tăng 2,45%, giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp lãi suất liên tục giảm.

Dù tín dụng giải ngân thấp nhưng theo các chuyên gia trong giai đoạn này cần chậm và chắc.

Trong 5 tháng đầu năm, dù ảnh hưởng từ COVID-19 nhưng cán cân thương mại hàng hóa Việt Nam ước tính xuất siêu 1,9 tỷ USD. Điều đó cho thấy kết quả tái hoạt động trở lại của các doanh nghiệp Việt.

Giảm sâu về lãi suất liên ngân hàng giai đoạn này khác gì so với năm 2017?

Vì sao lãi suất liên ngân hàng thấp kỷ lục nhưng doanh nghiệp chưa muốn vay? - Ảnh 2.

Hệ thống ngân hàng đang dồi dào thanh khoản. Ảnh minh họa.

Sự tái khởi động doanh nghiệp, cũng như những tác động của giảm lãi suất cần thời gian để hấp thụ. Nhìn lại, trong 11 năm qua, có thời kỳ lãi suất liên ngân hàng được cho thấp nhất là khoảng cuối năm 2017, cung cầu về vốn trên thị trường thuận lợi, lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng giảm sâu xuống mức 0,7-1%. Nhưng đến nay, chỉ còn là 0,175%, tức bằng khoảng 1/6 mức được cho là thấp nhất hồi 2017.

Nhìn ra thế giới, có thể hiểu vì sao lãi suất liên ngân hàng giai đoạn này chỉ bằng 1/6 năm 2017. Bởi lẽ, năm 2017, lãi suất Fed Fund đạt 1,25% - 1,5% và đang trong xu hướng tăng, còn năm 2020, lãi suất Fed Fund đã giảm về mức 0-0,25%. Động thái nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước cho thấy sự đồng điệu trong điều hành với các quốc gia khác trên thế giới.

Theo các chuyên gia, các ngân hàng và cơ quan quản lý, việc hệ thống ngân hàng dồi dào thanh khoản hiện nay là kết quả của sự chủ động trong chính sách tiền tệ và đồng thời bước đệm cần thiết cho tăng trưởng cả năm 2020.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước