Vì sao Hà Nội “xin” cơ chế đặc thù về ngân sách, tài chính?

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 12/06/2020 19:14 GMT+7

Một góc thành phố Hà Nội. Ảnh: Minh Đông/TTXVN

VTV.vn - Người dân chưa thực sự được hưởng lợi tương xứng với đóng góp của Thủ đô là một trong những lý do cơ bản.

Các chỉ số ô nhiễm môi trường đều vượt ngưỡng cho phép nhiều lần. Cầu Thanh Trì, vành đai 3 trên cao, những trục đường xuyên tâm Thủ đô luôn trong tình trạng quá tải gấp cả chục lần so với thiết kế. Mỗi năm, dân số Hà Nội tăng thêm khoảng 200.000 người, trong khi đó, tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ chỉ tăng khoảng 3%/năm.

Thiếu hạ tầng giao thông, đường xá ùn tắc, thiếu điểm đỗ là những bức bối mà người dân Thủ đô phải đối mặt nhiều năm qua. Chính vì thế, việc xin xem xét cho Thủ đô được hưởng cơ chế đặc thù đươc nhiều chuyên gia quy hoạch đô thị, chuyên gia kinh tế đặc biệt quan tâm.

Vì sao Hà Nội “xin” cơ chế đặc thù về ngân sách, tài chính? - Ảnh 1.

Mỗi năm, dân số Hà Nội tăng thêm khoảng 200.000 người, trong khi đó, tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ chỉ tăng khoảng 3%/năm. Ảnh: Dân trí.

Hà Nội đóng góp khoảng 17% vào nguồn thu chung của ngân sách cả nước. Năm ngoái, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Hà Nội cũng cao tới trên 7,46% nhưng thu nhập bình quân đầu người chỉ đứng thứ 8 trên cả nước. Nghĩa là thu nhập của người dân chưa tương xứng với vị thế của Thủ đô.

Nếu có cơ chế đặc thù về tài chính, ngân sách sẽ là cơ hội để cải thiện những vấn đề nan giải về cơ sở hạ tầng, về giao thông đô thị để có động lực phát triển. Cải thiện được hạ tầng cơ sở, hạ tầng giao thông cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế, kích thích được tăng trưởng, cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho người dân Thủ đô.

Ý kiến xung quanh việc Hà Nội xin cơ chế đặc thù

Liên quan đến vấn đề xem xét cho Thủ đô những cơ chế đặc thù về tài chính, ngân sách, cũng có nhiều ý kiến băn khoăn cũng như những khuyến cáo của các chuyên gia kinh tế, chuyên gia quy hoạch đô thị và cả những khuyến nghị của đại biểu Quốc hội.

Ý kiến xung quanh việc Hà Nội xin cơ chế đặc thù

Hà Nội sẽ làm 2 tuyến đường sắt đô thị nếu có cơ chế đặc thù 

Nếu có được cơ chế tài chính đặc thù, Hà Nội sẽ tự làm đường sắt đô thị tuyến Hà Nội đi Hoàng Mai với số tiền hơn 40.000 tỷ đồng và từ Văn Cao đi Hòa Lạc với số tiền 66.000 tỷ đồng từ nguồn vốn cổ phần hóa, nguồn tích luỹ từ vốn đầu tư công nhiều năm, và nguồn vốn từ phát hành trái phiếu. Đây được xem là cơ hội lớn để Thủ đô cải thiện mạng lưới hạ tầng giao thông đáng quá tải trong thời điểm hiện nay.

Vì sao Hà Nội “xin” cơ chế đặc thù về ngân sách, tài chính? - Ảnh 3.

Hà Nội đang gấp rút hoàn thiện tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội. Ảnh: Dân trí.

Không chỉ là đường sắt đô thị mà còn nhiều công trình giao thông trọng điểm khác cũng sẽ được triển khai xây dựng, cải thiện, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, phát triển kinh tế xã hội. Bên cạnh nhiều kỳ vọng, một số chuyên gia lại cho rằng cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù cho Thủ đô được đề xuất lần này mới giải quyết các vấn đề ngắn hạn, chưa thực sự đột phá để phát triển lâu dài. Và điều quan trọng nhất là khi có cơ chế đặc thù thì việc thực thi cần có sự giám sát tổng thể và minh bạch.

Với 9 cơ chế đặc thù về tài chính, ngân sách đang được Quốc hội xem xét và thảo luận lần này, nếu được chấp thuận, không chỉ là cơ hội để Thủ đô Hà Nội có sự đột phá, động lực để phát triển, mà còn phát huy được thế mạnh, tạo sự chủ động trong công tác quản lý, khơi thông những vướng mắc trong việc thực thi các chính sách xã hội của Thủ đô.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước