"VAMC không hoàn toàn dựa vào vốn điều lệ 500 tỷ"

TCKD-Thứ năm, ngày 23/05/2013 16:23 GMT+7

Ảnh: VTV News

Phóng viên Đài THVN đã có cuộc trao đổi với Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình về cơ cấu hoạt động của công ty Quản lý tài sản VAMC.

Công ty Q​uản lý tài sản (VAMC) vừa được Thủ tướng ký ban hành và có hiệu lực kể từ ngày 9/7 tới. Theo đó, vốn của công ty cũng được cấp từ nguồn vốn hợp pháp của Ngân hàng Nhà nước.

Về phương thức mua nợ xấu, công ty Quản lý tài sản (VAMC) mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt do Công ty này phát hành. Tuy nhiên, không phải mọi khoản nợ xấu đều được VAMC mua lại.

Trái phiếu đặc biệt được VAMC phát hành dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử với mệnh giá có giá trị bằng giá mua của khoản nợ xấu. Trái phiếu đặc biệt được phát hành bằng VNĐ có thời hạn tối đa 5 năm và lãi suất bằng 0%; có thể được sử dụng để vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, không phải mọi khoản nợ xấu đều được VAMC mua lại. Việc mua nợ chỉ được thực hiện đối với các khoản nợ xấu trong cấp tín dụng, mua trái phiếu doanh nghiệp, ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp, ủy thác cấp tín dụng và hoạt động khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Đây cũng phải là những khoản nợ có tài sản đảm bảo hợp pháp, cho vay khách hàng còn tồn tại và số dư của khoản nợ không thấp hơn mức quy định của Ngân hàng Nhà nước. Những khoản nợ xấu còn lại không đủ điều kiện sẽ do Thủ tướng quyết định.

‘ Ông Đặng Thanh Bình (phải) trong cuộc trao đổi.

Để làm rõ hơn cơ cấu quản lý của công ty Quản lý tài sản VAMC, phóng viên Đài THVN đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Thanh Bình, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về vấn đề này.

Thưa Phó Thống đốc, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ký phê duyệt nghị định về công ty mua bán xử lý nợ xấu của Quốc gia. Cơ chế hoạt động của công ty này sẽ như thế nào thưa ông?

- Đây là công ty TNHH sở hữu 100% vốn Nhà nước, chịu sự quản lý giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Công ty có số vốn điều lệ ban đầu là 500 tỷ. Cơ chế hoạt động trên cơ sở nguồn vốn ban đầu, trái phiếu đặc biệt do công ty phát hành sử dụng trái phiếu đó để mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam.

Vốn điều lệ ban đầu mới chỉ có 500 tỷ đồng nhưng hiện nợ xấu của toàn bộ nền kinh tế lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Theo ông, khả năng xử lý nợ xấu cho toàn bộ nền kinh tế có đáp ứng được không?

- Điều quan trọng trong việc xử lý nợ xấu là cố gắng tạo ra được cú hích cho thị trường, đặc biệt thị trường BĐS có sự chuyển động nhất định. Vốn điều lệ chỉ có 500 tỷ nhưng cơ chế hoạt động của công ty không chỉ dựa hoàn toàn vào vốn điều lệ ban đầu đó. Cơ chế của công ty dựa vào đặc quyền trong công ty đặc biệt được phát hành trái phiếu đặc biệt và các tổ chức tín dụng sử dụng các trái phiếu đó để tái chiết khấu tại Ngân hàng Nhà nước.

Cơ chế để công ty VAMC có thể vận hành mua bán nợ xấu sẽ là gì?

- Nguyên tắc các tổ chức tín dụng có các khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm, nếu phần xấu đó vượt qua mức Ngân hàng Nhà nước quy định thì các tổ chức tín dụng sẽ phải bán nợ xấu cho Ngân hàng Nhà nước. Sau đó Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa ra các nguyên tắc nhất định, quy định về các loại khoản nợ xấu phải bán và mức độ nợ xấu đến bao nhiêu.

Xin cảm ơn Phó Thống đốc về cuộc trao đổi!

Xem lại Video "Nghị định thành lập công ty xử lý nợ" tại đây.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước