Trong khu vực ASEAN, Singapore là thị trường có mức thu nhập trung bình cao, có nhu cầu đối với các loại trái cây tươi chất lượng cao. Quả vải và nhãn của Việt Nam nếu đáp ứng được các yêu cầu nhập khẩu của Singapore sẽ có cơ hội thâm nhập thị trường tiềm năng này.
Theo số liệu của Cơ quan quản lý Doanh nghiệp Singapore, năm 2022, Singapore nhập khẩu quả vải tươi, đạt kim ngạch 6,78 triệu SGD; nhập khẩu quả nhãn tươi, đạt kim ngạch hơn 4,6 triệu SGD.
Trong 7 nước xuất khẩu vải tươi nhiều nhất vào thị trường Singapore, Trung Quốc là nước dẫn đầu với kim ngạch vượt trội (đạt 5,8 triệu SGD năm 2022, chiếm 85,8% thị phần). Tiếp theo sau là Úc (720 nghìn SGD), Việt Nam (43 nghìn SGD), Nam Phi (52 nghìn SGD), Thái Lan (24 nghìn SGD).
Quả vải tươi Việt Nam còn nhiều dư địa tại thị trường Singapore. Ảnh minh họa.
Đối với mặt hàng nhãn tươi, Thái Lan là nước dẫn đầu với kim ngạch gần như tuyệt đối (đạt gần 4,2 triệu SGD năm 2022, chiếm 98,38% thị phần). Tiếp theo sau là Malaysia (64 nghìn SGD), Việt Nam (4 nghìn SGD), Trung Quốc (1 nghìn SGD).
Xét về chất lượng và mẫu mã, quả vải, nhãn Việt Nam có mẫu mã đẹp, vỏ mỏng, ngọt hơn so với vải, nhãn của các đối thủ khác.
Hiện nay, trái vải và nhãn của Việt Nam cũng đã được nhiều thị trường có yêu cầu cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… nhập khẩu. Do vậy, với thương hiệu và tiềm năng như vậy, quả vải và nhãn tươi Việt Nam còn nhiều dư địa tại thị trường Singapore.
Quả vải, nhãn tươi vào thị trường Singapore cần đáp ứng yêu cầu nào?
Singapore là thị trường khắt khe, đặt ra nhiều yêu cầu đối với trái cây tươi nhập khẩu vào nước này. Theo đó, trái cây tươi nhập khẩu vào Singapore phải đáp ứng được các điều kiện do Cơ quan quản lý thực phẩm của Singapore yêu cầu.
Theo Quy định kiểm soát thực vật của Singapore, các loại trái cây tươi nhập khẩu vào Singapore phải đáp ứng các điều kiện tiên quyết về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật/hóa chất như sau: Sản phẩm không chứa/tồn dư bất kỳ thuốc bảo vệ thực vật bị cấm nào; tồn dư thuốc bảo vệ thực vật hoặc hóa chất độc hại phải tuân thủ theo yêu cầu của Singapore. Riêng với quả vải và nhãn tươi, hàm lượng tồn dư sulphur dioxide trong không quá 50ppm.
Ngoài ra, nhãn mác của sản phẩm phải ghi chính xác và đầy đủ các tên và địa chỉ đầy đủ của nhà sản xuất; mô tả sản phẩm; ngày xuất khẩu/đóng gói. Các thông tin trên nhãn mác phải được viết bằng tiếng Anh (có bổ sung ngôn ngữ khác là lợi thế).
Tham tán thương mại Việt Nam tại Singapore Cao Xuân Thắng mời khách thăm quan Gian hàng Việt Nam nếm thử quả vải tươi Việt Nam. Ảnh: Bộ Công Thương.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, trong thời gian qua Thương vụ Việt Nam tại Singapore đã thực hiện nhiều hoạt động đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam.
Trong đó, Thương vụ đặc biệt chú ý xúc tiến các sản phẩm trái cây tươi theo mùa vụ như quả vải và nhãn thông qua các chương trình Tuần hàng Việt Nam tại Singapore, hoạt động kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp, kết nối doanh nghiệp với hệ thống phân phối, chào mời khách hàng thử trái vải tươi của Việt Nam tại các sự kiện lớn... Kết quả hoạt động xúc tiến cho thấy, sản phẩm vải tươi đã đạt được mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu khá tốt.
Thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Singapore và các đơn vị liên quan sẵn sàng hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu quả vải và nhãn tươi Việt Nam sang Singapore.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!