Mặc dù dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, nhưng kinh tế tháng 8 và 8 tháng đầu năm tiếp tục được duy trì, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng CPI 8 tháng tăng 2,82% so với cùng kỳ năm 2020 - mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Đây là thông tin được đưa ra tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra vào chiều tối ngày 6/9.
Dự báo dịch COVID-19 sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Để đạt được các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở mức cao nhất, ưu tiên hàng đầu hiện nay của Chính phủ là kiểm soát dịch bệnh, từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh.
"Khẩn trương xây dựng các kịch bản phục hồi tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh triển khai tiêm vaccine trên diện rộng. Xây dựng tiêu chí về vùng an toàn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh theo nguyên tắc an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn nhấn mạnh.
Toàn cảnh họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 6/9. (Ảnh: VGP)
Thời gian qua, vấn đề lưu thông hàng hóa được lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và xuyên suốt. Tuy nhiên, một số địa phương vì sốt ruột nhất định, nên đã đưa ra những quy định không đảm bảo sự thông suốt trong vận tải hàng hóa. Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu bãi bỏ. Bộ sẽ tiếp tục tận dụng linh hoạt và tối đa nhất các loại hình vận tải để duy trì chuỗi cung ứng.
"Ta phải phát huy tất cả phương thức, với các lợi thế khác nhau trong vấn đề vận tải. Ví dụ đưa vận tải đường sông, đường thủy nội địa vào vận tải hàng hóa, hoặc bên cạnh đường bộ, chúng tôi cũng đẩy mạnh vận tải đường sắt", Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông nhận định.
Về vấn đề an sinh xã hội, đến nay, khoảng 15 triệu lao động đã được hỗ trợ theo Nghị quyết 68, với tổng số tiền 8,4 nghìn tỷ đồng. Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu bổ sung các chính sách an sinh xã hội mới, phù hợp hơn và mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!