Trong khi các tác động đang dần ngấm lên kinh tế, viễn cảnh tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể chưa sớm dừng lại vẫn sẽ là mối lo ngại lớn.
FED liên tục tăng lãi suất ở mức cao, kéo theo đó đồng USD đã có lúc tăng giá trị lên mức cao nhất trong 2 thập kỷ qua. Điều này đang gây lo ngại với những người tham gia thị trường và giới phân tích.
Trang Bloomberg có bài: "Đồng USD tăng giá đe dọa lấy đi 60 tỷ USD giá trị trong doanh thu của các doanh nghiệp". Khi hàng hóa được bán ở 1 nước khác, giá trị thu về là đồng nội tệ ở nước đó. Doanh nghiệp muốn chuyển doanh thu về Mỹ lại phải đi mua USD với giá cao hơn.
Nếu muốn giảm thiệt hại, tăng giá hàng hóa ngay từ khi xuất đi, các mặt hàng sẽ kém cạnh tranh ở thị trường nước ngoài vì đồng nội tệ của nước đó đang mất giá.
Trang Marketwatch nhận định: "Một đồng USD tăng giá liên tục là dấu hiệu, theo lịch sử, thường dẫn tới một cuộc khủng hoảng tài chính".
FED liên tục tăng lãi suất ở mức cao, kéo theo đó đồng USD đã có lúc tăng giá trị lên mức cao nhất trong 2 thập kỷ qua. (Ảnh: Getty Images)
Biểu đồ phân tích của ngân hàng Morgan Stanley cho thấy, năm 1993 - 1994 xảy ra cuộc khủng hoảng nợ của Mexico, năm 1997 - 1998 là Nga vỡ nợ một phần, hay bong bóng nhà đất năm 2005 - 2006 và gần nhất là năm 2015, Trung Quốc phải phá giá đồng Nhân dân tệ, kèm theo là cuộc suy giảm kinh tế toàn cầu. Điều gì sẽ xảy ra tiếp vẫn là dấu hỏi.
Tác động của đồng USD mạnh vẫn đang như một cơn bão chưa lường trước được hậu quả. Tuy nhiên, nơi đang phải gánh chịu tác động sớm từ cơn bão đó có thể lại là các nền kinh tế ngoài Mỹ, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi.
Chuyên trang Investopedia cho rằng, một đồng USD mạnh lên sẽ tạo nên 2 tác động đối với các nền kinh tế mới nổi: Thứ nhất là dòng vốn ngoại sẽ bị rút ra khỏi thị trường khi các nhà đầu tư thấy mang tiền về Mỹ là có lợi hơn, an toàn hơn; Thứ hai, lãi suất cao sẽ khiến các quốc gia có nợ bằng đồng USD sẽ phải tốn kém hơn đi đổi nội tệ ra USD để trả nợ.
Trang tài chính của CNN có bài: "Đồng USD mạnh lên gây tổn hại các nền kinh tế khác". Bài báo lấy ví dụ rõ nhất là khi người Mỹ đi du lịch, chẳng hạn như ngủ tại Roma trước kia mất 100 USD, giờ chỉ còn 80 USD. Tuy nhiên với các nước sở tại, đó là điều rất phức tạp. Gần một nửa giao dịch thương mại toàn cầu bằng đồng USD. Các nước đang nợ bằng đồng tiền này, nhưng dự trữ lại xuống thấp.
Cùng lúc, đồng USD mạnh lên sẽ khiến nhiều quốc gia hay doanh nghiệp phải chi nhiều tiền hơn cho việc nhập khẩu thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu.
Theo cảnh báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khoảng 60% các nước có thu nhập thấp đang hoặc đã có nợ công ở trong tình trạng căng thẳng khi đồng USD tiếp tục tăng giá. Một thập kỷ trước con số này chỉ 20%. Trong khi đó, nhiều dự báo cho thấy, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể chưa hạ lãi suất trước năm 2024.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!