Giá niêm yết USD tại các ngân hàng thương mại cũng chạm biên độ 21.036 đồng/USD. Khoảng cách giữa giá mua và giá bán được kéo sát kỷ lục khi chỉ chênh 1 đồng, tăng 200 đồng/USD so với cách đây 1 tuần.
‘ Ảnh: VTV News
Theo các nhà băng, tỷ giá bắt đầu biến động trở lại cuối tháng 5. Lần biến động gần nhất cách đó 2 tháng khi chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới tới 7 triệu đồng/lượng.
Ông Phạm Hồng Hải, Phó Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam cho biết: “Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong vài tháng gần đây có những biến động. Trước đây, nhiều ngân hàng mong muốn giữ trạng thái ngoại hối âm ở ngoại tệ để hưởng lợi cao trong VND, nhưng giờ chuyển sang trạng thái dương ngoại tệ bởi chênh lệch lãi suất giữa USD và VND không còn nhiều”.
Theo lãnh đạo một số ngân hàng tại TP.HCM, trong 2-3 phiên trở lại đây, động thái của NHNN cũng làm dấy lên nhiều đồn đoán. Thứ nhất, nhịp độ bán USD ra không đều đặn dù mức giá niêm yết đã được đẩy lên kịch trần. Thứ hai, điều kiện bán USD cho các ngân hàng thương mại cũng trở lên gắt gao hơn. Có quan điểm cho rằng, lần biến động tỷ giá này mang yếu tố tâm lý nhiều hơn.
Ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng OCB cho biết: “Thực tế có sự tăng cao nhưng không nhiều đặc biệt đối với nhà nhập khẩu. Trước đây có những chứng từ người ta trả chậm 3-6 tháng, bây giờ họ vội vã mua lại sợ USD tăng".
Tỷ giá bình quân liên ngân hàng VND và USD đã được leo cố định trong hơn 18 tháng. Trong khi chỉ số USD với số tiền tệ chính yếu tăng 5 điểm trong vòng 6 tháng trở lại đây.
Sự lên giá của USD phần nào sẽ ảnh hưởng đến khả năng xuất khẩu của Việt Nam. Việc điều chỉnh tỷ giá không quá 2-3% như định hướng của NHNN được cho là phù hợp. Nhưng thay vì điều hành giật cục như trước đó, một chính sách tỷ giá linh hoạt sẽ tránh gây sốc cho thị trường.
Trong 1 tuần nay, việc kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng thương mại không còn có lãi khi khoảng cách chênh lệch mua bán không còn. Giá USD chợ đen hiện được bán ra cao hơn tỷ giá chính thưc 100 đồng, ở mức 21.136 đồng/USD.