Toys "R" Us ra đời trong giai đoạn sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, khi số trẻ em ra đời tăng mạnh trong những năm 1950, hay còn gọi là thời kỳ "baby boom". Công ty nhanh chóng phát triển thành nhà bán lẻ đồ chơi số 1 của Mỹ, trở thành thế giới thần tiên mà bất cứ đứa trẻ nào trên thế giới cũng đều mơ ước. Tuy nhiên thời thế thay đổi. Không bắt kịp với những xu hướng mới, ông lớn cũng ngã ngựa. Toys "R" Us trở nên đuối sức trong cuộc đua với các đối thủ cạnh tranh, đối mặt núi nợ khổng lồ và vô vàn thách thức, dù hiện tại đã được các chủ nợ bơm vốn để duy trì hoạt động.
Gần 70 năm tuổi, người khổng lồ Toys "R" Us từng được xem là "thánh địa quà tặng" với trẻ em trên toàn thế giới. Thế nhưng những năm gần đây, ngôi vị đó đã thuộc về 2 đại gia bán lẻ, Amazon và Walmart.
Mặc dù Toys "R" Us đã liên tục giảm giá, bỏ tiền sở hữu các bản quyền sáng chế đồ chơi đắt đỏ, hay mua lại cả những công ty đồ chơi lớn khác, thế nhưng từng đó vẫn là không đủ. Vì người tiêu dùng giờ đây không thích mua tại cửa hàng như Toys "R" Us, mà chuyển sang sắm đồ qua mạng, khi chỉ một cú click chuột, sản phẩm đã được giao đến tận tay với giá rẻ tương đương.
Không thể cạnh tranh, Toys "R" Us tiếp tục lún sâu vào khoản nợ khổng lồ lên tới gần 5 tỷ USD, đặc biệt sau thương vụ nhóm 3 nhà đầu tư lớn: Bain Capital, KKR và Vornado Reality Trust mua lại Toys "R" Us với giá 6,6 tỷ USD bằng tiền đi vay năm 2005. Hãng không hề có lãi từ năm 2013 và lỗ ròng tới 164 triệu USD trong quý II/2017.
Không chỉ vậy, việc kinh doanh của Toys "R" Us phụ thuộc vào hoạt động của Hollywood - đối tác mà Toys "R" Us ký hợp đồng mua bản quyền thiết kế đồ chơi. Mùa Hè 2017 là khoảng thời gian buồn của ngành công nghiệp phim Hollywood, doanh số của Toys "R" Us vì thế cũng xuống dốc thảm hại.
Tuy nhiên không riêng gì Toys "R" Us, sự phát triển của công nghệ và thương mại điện tử cũng đang khiến nhiều tên tuổi lớn khác trong ngành đồ chơi lao đao. Một nghiên cứu năm 2014 cho biết, trẻ em giờ đây thích chơi game trên điện thoại di động hơn là nghịch búp bê hay siêu nhân như ngày trước.
Đây là lý do lý giải vì sao, hãng đồ chơi Lego không ngừng đổi mới để giữ thị phần. Còn nhà sản xuất búp bê Barbie, Mattel cũng đã phải thuê một nhân sự cấp cao của Google về làm giám đốc điều hành, cập nhật những xu hướng công nghệ mới nhất. Muốn tồn tại trên thị trường, Toys "R" Us có lẽ không thể nằm ngoài xu hướng này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!