Ảnh minh họa.
Theo thông báo mới của Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC), từ ngày 1/4, thông báo về tiền điện và các thông tin liên quan chỉ được gửi qua ứng dụng EVNHCMC CSKH. Do các khách hàng tại TP Hồ Chí Minh đều ghi chỉ số vào cuối tháng nên việc thanh toán tiền điện được thực hiện vào đầu tháng, từ ngày 2 đến 5 hàng tháng.
Như vậy, các hộ gia đình tại TP Hồ Chí Minh cần tải ứng dụng để tạo tài khoản sử dụng và kiểm tra thông tin tiền điện. Sau khi đăng ký, khách hàng sử dụng điện sẽ nhận được thông báo về các dịch vụ điện mà EVNHCMC đang cung cấp như thông báo tiền điện; xác nhận thanh toán; thông báo trả điện trễ hạn; thông báo phí dịch vụ; thông báo mất điện do sự cố, kế hoạch; thông báo ngừng cấp điện trước 24 giờ...
Theo EVNHCMC, sự chuyển đổi này nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, cung cấp thông tin một cách đầy đủ về hình thức và nội dung, tiến tới xây dựng hoàn chỉnh công tác chăm sóc khách hàng và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa các hình thức giao tiếp với khách hàng sử dụng điện.
Điện lực TP Hồ Chí Minh là đơn vị đầu tiên bỏ hẳn các kênh thông báo truyền thống. Trước đây, thông báo tiền điện được gửi theo hoá đơn giấy về tận nhà, tin nhắn SMS về điện thoại. Vài năm gần đây, điện lực các địa phương gửi thông báo qua kênh Zalo hoặc App (nếu khách hàng sử dụng) thay vì tin nhắn SMS để giảm chi phí. Tại Hà Nội, EVNHN vẫn gửi đồng thời thông báo qua kênh Zalo.
Nắng nóng, tiền điện tháng 3 ở TP Hồ Chí Minh sẽ tăng cao
Liên quan đến tình hình sử dụng điện tại TP Hồ Chí Minh trong mùa nắng nóng, tại cuộc họp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn do Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh, tổ chức chiều 28/3, ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Thành phố (EVNHCMC) cho biết, tính đến nay, sản lượng tiêu thụ bình quân tại TP Hồ Chí Minh đạt 78,13 triệu kWh/ngày, cao hơn 12% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo ông Bùi Trung Kiên, theo quy luật thời tiết, quý II hàng năm luôn là giai đoạn cao điểm nắng nóng, nhiệt độ nhiều thời điểm lên hơn 37-40 độ C, số giờ nắng nóng trong ngày cũng nhiều hơn, thậm chí cả ban đêm. Do vậy, nhu cầu sử dụng điện của khách hàng cũng tăng lên, chủ yếu vì sử dụng nhiều các thiết bị giải nhiệt, làm mát, đặc biệt là máy lạnh.
Bên cạnh đó, tiền điện của các hộ gia đình trong tháng 3 này sẽ tăng cao do tỷ lệ khách hàng sử dụng từ bậc thang giá điện bậc 6 tăng cao hơn 30%, trong khi đó những tháng trước chỉ có khoảng 20% trong tổng số hơn 2,6 triệu khách hàng ở TP Hồ Chí Minh.
Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Thành phố (EVNHCMC) dự báo, sản lượng điện nhận bình quân theo ngày của tháng 4,5,6/2024 sẽ tiếp tục tăng cao đạt từ 84 đến 87 triệu kWh/ngày và đỉnh điểm trong tháng 4 và tháng 5 sẽ có một số ngày điện nhận vượt trên 95 triệu kWh/ngày. Đây là mức cao nhất chưa từng có trong lịch sử điện nhận tại TP Hồ Chí Minh. Do đó, khách hàng cần sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả để hạn chế thấp nhất làm tăng tiền điện trong các tháng cao điểm mùa hè.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!