Tự động hóa tại các cơ sở dệt may ở Trung Quốc

Kim Huệ-Thứ sáu, ngày 07/07/2023 08:03 GMT+7

VTV.vn - Hơn 80% các nhà sản xuất Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động từ hàng trăm đến hàng nghìn công nhân trong năm 2022.

Đây là kết quả khảo sát của tổ chức CIIC Consulting. Chưa dừng lại ở đó, Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết nước này sẽ thiếu gần 30 triệu công nhân sản xuất vào năm 2025, lớn hơn cả dân số Australia.

Để tránh tình trạng này, cộng với nhu cầu nâng cao công suất lao động, nhiều cơ sở dệt may tại Trung Quốc đã tích cực chuyển hướng sang ứng dụng tự động hóa vào các dây chuyền sản xuất.

Nhiều nhà máy dệt truyền thống trên khắp Trung Quốc đã dần chuyển sang quy trình tự động hóa hoàn toàn, nâng cấp dây chuyền sản xuất của họ

Chẳng hạn như một công ty dệt may ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc đang sử dụng một loạt các phương tiện tự động, như máy dệt tự động, camera giám sát từ trên cao và các thiết bị công nghệ cao khác.

Có 96 trục chính hoạt động cùng một lúc để quay sợi và các robot kiểm tra mỗi khi bật đèn xanh sẽ cho phép thực hiện các thao tác sàng lọc tự động, quấn dây, hay lột vải…

Ông Zhou Jia, Tổng giám đốc nhà máy dệt may, thành phố Tô Châu, cho biết: "Tốc độ tối đa có thể đạt 550 mét/phút, nhanh gấp 20 đến 30 lần tốc độ quay truyền thống. Năng lực sản xuất của chúng tôi hiện đã tăng từ khoảng 200 tấn lên khoảng 4.000 tấn mỗi tháng".

Tại một cơ sở khác, chiếc camera tốc độ cao, được ví như "mắt đại bàng" được đặt phía trên các máy dệt. Thay thế cho mắt người, chiếc camera này một khi phát hiện ra khiếm khuyết trên vải, nó sẽ so sánh với dữ liệu lớn, khóa mục tiêu bằng ánh sáng hồng ngoại, và kịp thời nhắc nhở phần khung dệt chỉnh lại.

Ông Yang Junwu, Quản lý công nghệ của nhà máy dệt, thành phố Tô Châu, nói: "Trước đây không thể tránh được lỗi khi việc kiểm tra được thực hiện bởi các công nhân. Tuy nhiên, chiếc máy mới với mắt đại bàng 'Eagle Eye' này có thể kiểm tra và phát hiện ra lỗi với độ chính xác cao. Về cơ bản, hơn 99% các lỗi có thể được tìm thấy".

Từ sợi bông, dệt, in và nhuộm, và cuối cùng là sản xuất các bộ phận may mặc khác nhau, các cơ sở dệt may được nâng cấp hệ thống, và có thể tự động sản xuất một lượng lớn quần áo và các sản phẩm khác, đồng thời giảm đáng kể thời gian sản xuất.

Ông Gao Dekang, Giám đốc điều hành công ty dệt may Bosideng, Trung Quốc, cho biết: "Tỷ lệ tự động hóa trong quy trình sản xuất mấu chốt trong nhà máy đã đạt trên 90%. Chúng tôi có thể sản xuất 8.000 chiếc áo khoác trong một ngày trong mùa cao điểm. Toàn bộ quá trình có thể giảm xuống còn 7 đến 14 ngày kể từ khi bắt đầu sản xuất đến khi giao hàng cho người tiêu dùng".

Theo Liên đoàn Công nghiệp Dệt may Trung Quốc, tính đến tháng 12/2022, chỉ số đánh giá phát triển tổng thể về số hóa và công nghiệp hóa tích hợp của ngành dệt may Trung Quốc đạt 57,1%, tỷ lệ số hóa thiết bị sản xuất là 55,6% và tỷ lệ hoàn thành sản xuất thông minh đạt 14,6%.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước