Nhiều công ty của Trung Quốc đang coi đây là bàn đạp, để tăng sức mạnh cạnh tranh, không chỉ giữa các công ty trong nước với nhau, mà còn với các "ông lớn" công nghệ toàn cầu như Alphabet hay Facebook. Chỉ trong đầu năm nay, một trung tâm tuyển dụng có trụ sở tại Mỹ đã nhận được hàng trăm yêu cầu tìm việc về trí tuệ nhân tạo, cho các công ty Đại Lục.
Baidu, một trong ba công ty công nghệ lớn nhất của Trung Quốc, đã tuyển dụng được một số chuyên gia hàng đầu từ Google và Microsoft. Thậm chí, Baidu còn nỗ lực tìm nhân tài tại các trường đại học lớn của Mỹ. Hay Alibaba, ông trùm thương mại điện tử cũng không hề kém cạnh, khi rót 15 tỷ USD vào phòng nghiên cứu công nghệ toàn cầu, với tham vọng thách thức vị thế số 1 của thung lũng Silicon trong việc phát triển các công nghệ của tương lai.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn sẵn sàng mời những tài năng ngoại quốc nhập cư vĩnh viễn bằng những tấm "thẻ xanh" và nới lỏng quy định cấp visa dành cho thạc sĩ, tiến sĩ muốn ở lại làm việc.
"Người nhập cư đang gặp khó khi bước chân vào đất Mỹ vì chính sách mới của Tổng thống Donald Trump. Đây lại là cơ hội vàng để Trung Quốc nhập khẩu chất xám bị từ chối ở Mỹ" - ông Liu Qingfeng, Chủ tịch Công ty công nghệ nhận dạng giọng nói iFlytek.
Tuy nhiên, các công ty phương Tây với chế độ làm việc hấp dẫn vẫn là "miếng mồi" béo bở khó bỏ qua. Một người có bằng tiến sĩ về AI đang làm việc tại thung lũng Silicon có thể bỏ túi được tới 1 triệu USD một năm.
Vì vậy, sẽ không hề dễ dàng để các công ty Đại lục giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh nhân lực, với những gã công nghệ khổng lồ tại xứ sở cờ hoa.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!