Công ty công nghệ PureMate tại Thâm Quyến, Trung Quốc đã buộc phải lên giá sản phẩm vì giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Thực tế này khiến khách hàng của PureMate không khỏi lo lắng vì họ chính là người phải chi trả khoản phí gia tăng.
"Người mua của chúng tôi đang thực sự rất căng thẳng khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Chi phí nguyên liệu thô cho hệ thống lọc không khí của công ty hiện đã tăng hơn 40%", anh Yan Fanghong - Quản lý Công ty công nghệ PureMate tại Thâm Quyến, Trung Quốc nói.
Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tăng giá hàng hoá xuất khẩu, áp lực đặt nặng lên lạm phát toàn cầu. Ảnh minh họa: Bangkok Post.
Không chỉ có PureMate, nhiều doanh nghiệp khác tại Trung Quốc cũng phải đẩy giá sản hàng hoá xuất khẩu do đối mặt với sự tăng cao kỷ lục của giá nguyên liệu thô sau nhiều thập niên.
Việc nâng giá sản phẩm là không thể tránh khỏi bởi giá các nguyên liệu thô sản xuất cũng đang tăng chóng mặt không kém, nhất là đối với các chất hóa học và kim loại. Trong khi đó, giá bán đối với các sản phẩm may mặc và đồ chơi cũng tăng từ 10 - 15% từ hồi đầu tháng 3 năm nay.
Chi phí vận tải biển leo dốc 90% cũng được cho là một trong những nguyên nhân khiến Trung Quốc phải tăng giá hàng xuất khẩu, dù thực tế khách hàng mới là bên phải chịu trách nhiệm với loại phí này.
Tất nhiên, chỉ riêng yếu tố giá hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc tăng sẽ không đủ để tác động lớn tới lạm phát tại Mỹ và nhiều quốc gia khác. Nếu các nước nhập khẩu chấp nhận giảm lợi nhuận và chịu chi trả mức phí tăng cao, nguy cơ lạm phát sẽ được co rút đáng kể.
Chi phí vận tải biển leo dốc 90% cũng được cho là một trong những nguyên nhân khiến Trung Quốc phải tăng giá hàng xuất khẩu. Ảnh minh họa: Reuters
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại rằng các gói kích thích trị giá hàng nghìn tỉ USD trên toàn thế giới cuối cùng sẽ chỉ dẫn đến lạm phát nếu tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng không được cải thiện.
Ông Nick Marro - chuyên gia phân tích thương mại toàn cầu tại Economist Intelligence Unit cho hay: "Chắc chắn có một rủi ro rằng lạm phát sẽ tăng lên. Điều này không chỉ đến từ vị trí các nhà xuất khẩu. Nó bao gồm mọi thứ, từ những tắc nghẽn trong quá trình vận chuyển toàn cầu, đến việc các gói kích thích khiến cung không theo kịp cầu".
Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, giá hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ đã tăng 1,2% trong năm qua, mức tăng nhanh nhất kể từ năm 2012.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!