Đồng Nhân dân tệ. (Ảnh: AP)
Từ ngày 15/6, các định chế tài chính phải tăng tỷ lệ dự trữ ngoại tệ thêm 2 điểm phần trăm, lên 7% từ mức 5% hiện nay. Đây là lần đầu tiên, sau 14 năm, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBOC) nâng tỷ lệ dữ trữ ngoại tệ tại các định chế tài chính.
Theo CNBC, động thái này buộc các ngân hàng thương mại phải rút bớt ngoại tệ khỏi lưu thông, làm giảm nguồn cung ngoại tệ trên thị trường, theo đó giảm áp lực tăng giá đối với đồng nội tệ.
Hiện đồng Nhân dân tệ đã tăng 12% so với thời điểm cách đây 1 năm. Nhân dân tệ tăng giá khiến cho hàng hoá Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn ở nước ngoài, làm dấy lên mối lo về sức cạnh tranh xuất khẩu của nước này, trong khi xuất khẩu đang là nguồn đóng góp chính cho sự tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tương tự như các nền kinh tế khác trên thế giới, Chính phủ Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực kích cầu bằng tiền tệ và tài khoá nhằm đưa nền kinh tế hồi phục và giữ vững đà tăng trưởng sau cú sốc mà COVID-19 gây ra.
Tuy nhiên, chính sách tiền tệ của Bắc Kinh không đến mức siêu lỏng lẻo như của Mỹ và các nền kinh tế phát triển lớn khác và điều này khiến tài sản ở Trung Quốc đại lục trở nên hấp dẫn hơn đối với giới đầu tư toàn cầu.
Trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm hiện mang lại mức lợi suất khoảng 3,07%, trong khi trái phiếu chính phủ Mỹ cùng kỳ hạn có lợi suất chỉ khoảng 1,62%. Chênh lệch lợi suất như vậy tạo ra một vòng xoáy hút vốn vào các tài sản định giá bằng Nhân dân tệ, đẩy đồng tiền này tăng giá. Khi Nhân dân tệ đã tăng giá, thì sức hút của Trung Quốc đối với các dòng vốn từ bên ngoài lại càng lớn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!