Triển vọng kinh tế châu Á nửa cuối năm 2024

VTV Digital-Thứ ba, ngày 16/07/2024 21:00 GMT+7

VTV.vn - Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và Ngân hàng Thế giới World Bank đều dự báo kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục phục hồi mạnh mẽ vào nửa cuối năm 2024.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và Ngân hàng Thế giới World Bank đều dự báo kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục phục hồi mạnh mẽ vào nửa cuối năm 2024. Qua đó nâng dự báo GDP cả năm nay lên mức 4,5-4,8%. Các nhà đầu tư của châu Á được dự báo là sẽ tăng "khẩu vị rủi ro" để tận dụng chu kỳ giảm lãi suất trong giai đoạn này.

Trung Quốc dù chứng kiến mức tăng trưởng GDP quý II thấp hơn dự báo, song dữ liệu sản lượng công nghiệp tháng 6 bật tăng mạnh đang là cơ sở thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu trong quý III.

Một động lực khác của khu vực châu Á là Ấn Độ, kinh tế cũng tiếp tục tăng tốc nhanh khi chỉ số PMI sản xuất tháng 6 lên mức 58,3.

ASEAN duy trì là "cứ điểm" mở rộng sản xuất, đặc biệt với các lĩnh vực mới như bán dẫn, xe điện, trung tâm dữ liệu.

Triển vọng kinh tế châu Á nửa cuối năm 2024 - Ảnh 1.

Các đơn hàng xuất khẩu đang tăng nhanh trở lại, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử và bán dẫn

Ông Suan Teck Kin - Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB cho biết: "Trong 6 tháng cuối năm 2024, kinh tế châu Á sẽ đón nhận nhiều tín hiệu tích cực. Thứ nhất, các đơn hàng xuất khẩu đang tăng nhanh trở lại, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử và bán dẫn. Thứ hai, việc FED có thể giảm lãi suất từ tháng 9 tới cũng sẽ giảm áp lực cho các Ngân hàng Trung ương khu vực và tỷ giá các đồng nội tệ. Thứ ba, giá cả ổn định đang giúp lạm phát châu Á hạ nhiệt đáng kể. Tất cả sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp và người tiêu dùng".

Cuộc khảo sát mới nhất với hơn 6.000 nhà đầu tư của công ty dịch vụ tài chính Fidelity International cho thấy, nhà đầu tư tại châu Á đang kỳ vọng thị trường cổ phiếu, trái phiếu sẽ được hưởng lợi trong chu kỳ giảm lãi suất sắp tới.

Đón trước làn sóng rót vốn này, các chỉ số tại Nhật Bản, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Malaysia… đều tăng cao nhờ lực đẩy từ cổ phiếu trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, thương mại điện tử.

Trong tháng 6, các nhà đầu tư nước ngoài đã đổ lượng vốn lớn hơn 7 tỷ USD vào thị trường cổ phiếu châu Á sau hai tháng bán ra liên tục.

Ông Manoj Dugar - Đồng Giám đốc Khối giải pháp thanh toán toàn cầu, HSBC Châu Á Thái Bình Dương chia sẻ: "Đông Nam Á là nơi có nền kinh tế kỹ thuật số phát triển nhanh nhất thế giới so với các khu vực khác, tăng trưởng gần 12% trong năm ngoái và đến năm 2030, đạt giá trị gần 1.000 tỷ đô la. 65% công ty ở ASEAN chọn tăng cường đầu tư vào công nghệ và số hóa trong khu vực. Đây là thông tin tích cực cho nhà đầu tư".

Dự báo nửa cuối năm 2024, các căng thẳng địa chính trị, xung đột thương mại và giá cước vận biển tiếp tục tăng cao… sẽ là những rủi ro hiện hữu có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng và dẫn đến sự biến động của giá hàng hóa toàn cầu nói chung và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước