Trên 22.000 tỷ đồng hỗ trợ lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp

Khánh Huyền-Thứ hai, ngày 08/11/2021 10:49 GMT+7

VTV.vn - Đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, 22.000 tỷ đồng đã được chi trả cho hơn 9,4 triệu lao động, đa số là qua tài khoản cá nhân.

Triển khai chính sách hỗ trợ người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hiện nay được thực hiện đến đâu? Việc tăng giá nguyên vật liệu như: than, xăng dầu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lạm phát? Bao giờ thí điểm đón khách du lịch quốc tế?... Đây là những nội dung báo chí quan tâm và đặt câu hỏi đối với các bộ, ngành trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10 vừa diễn ra tại Hà Nội. Buổi họp báo dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.

Liên quan đến việc hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết 116, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, đến ngày 5/10, đã giải quyết hướng dẫn hỗ trợ cho trên 9.900.000 lao động có tham gia bảo hiểm thất nghiệp, với số tiền đã chi trả là trên 22.000 tỷ đồng.

"Tổng số tiền đã chi trả là 22.582 tỷ đồng, tương đương vói 98% tổng kinh phí đã được giải quyết cho 9.448.915 người lao động, trong đó đại đa số chi trả qua tài khoản cá nhân", Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết.

Trên 22.000 tỷ đồng hỗ trợ lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp - Ảnh 1.

Người lao động nhận hỗ trợ tại bộ phận một cửa của quận Hà Đông, TP Hà Nội. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn còn gặp một số vướng mắc nhỏ như có 2,7 triệu lao động bảo lưu hồ sơ về quê, nhưng đến nay mới chỉ có hơn 1 triệu người nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm.

"Hướng sắp tới đối với lao động bảo lưu về địa phương, chúng tôi tiếp tục tăng cường tuyên truyền đến từng tổ dân phố, phường, thị trấn để mời người lao động liên lạc với cơ quan bảo hiểm xã hội đến nhận hỗ trợ", Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn cho hay.

Liên quan đến câu hỏi về việc giá các nguyên vật liệu như xăng dầu, than tăng cao, ảnh hưởng đến lạm phát, đại diện Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, giá xăng tăng mạnh nhưng vẫn thấp hơn đà tăng của thế giới, do Bộ Công Thương và Bộ Tài chính sử dụng mạnh mẽ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Tính chung 10 tháng 2021, CPI tăng 1,81% so với cùng kỳ - đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Tuy nhiên năm 2022, việc tăng giá các nguyên vật liệu sẽ làm chi phí sản xuất tăng lên, khiến giá hàng hóa tăng cao, gây áp lực lớn lên lạm phát. Do vậy, trong năm nay sẽ không tăng giá điện và theo dõi chặt chẽ giá cả, không để xảy ra hiện tượng lạm phát do tâm lý.

"Cần nỗ lực đàm phán để đảm bảo được nguồn nguyên liệu thô thông qua tăng cường hợp tác từ các cấp cao nhất là Chính phủ đến các bộ, ngành để hỗ trợ doanh nghiệp, ký kết các hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu dài hạn để đảm bảo nguyên liệu đầu vào, ổn định sản xuất", Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Ngoài ra, tại buổi họp báo, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội đang trong quá trình được xây dựng và chuẩn bị trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chương trình có 5 nhóm giải pháp, có quy mô toàn diện, được kỳ vọng có thể đạt được mục tiêu phục hồi, phát triển kinh tế đất nước sau đại dịch.

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng thông tin, từ ngày 20/11 tới đây, tỉnh Kiên Giang sẽ thử nghiệm quy trình đón khách du lịch quốc tế đầu tiên.

Hơn 3,3 triệu người lao động đã nhận được hỗ trợ Hơn 3,3 triệu người lao động đã nhận được hỗ trợ

VTV.vn - Hơn 3,3 triệu người lao động đã được nhận hỗ trợ với tổng số tiền được giải ngân là hơn 8 nghìn tỷ đồng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước