Lần đầu tiên sau 8 năm hoạt động, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ được trao cơ chế tự chủ. Theo đó, Chính phủ sẽ bãi bỏ thu điều tiết đối với các sản phẩm xăng, dầu của Bình Sơn bán cho thị trường trong nước.
Với cơ chế này, hàng hóa của Bình Sơn đã có thể cạnh tranh bình đẳng với hàng nhập khẩu. Xung quanh câu chuyện này, nhiều chuyên gia cho rằng, cơ chế thu điều tiết đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó, đã đến lúc để mặt hàng của Lọc hóa dầu Bình Sơn cạnh tranh bình đẳng với sản phẩm ngoại nhập.
Tháng 6/2016, giá xăng, dầu từ nhà máy lọc dầu Bình Sơn đắt hơn 10% hàng nhập khẩu. Khách hàng liên tiếp giãn, hoãn, từ chối đơn hàng. Hàng tồn kho lên tới mức kỷ lục 130% sức chứa. Nhà máy lọc dầu Bình Sơn đứng trước nguy cơ đóng cửa. Nguyên nhân là thuế nhập khẩu xăng, dầu vào Việt Nam từ Asean còn 0%, từ Hàn Quốc chỉ 10% trong khi đó xăng dầu sản xuất trong nước vẫn bị tính thuế nhập khẩu từ 3 - 13% từ chính sách thu điều tiết của Nhà nước.
Nhưng từ tháng 9/2016, thực tế trên đã thay đổi. Cơ chế thu điều tiết được gỡ bỏ, hàng trong nước đã cạnh tranh được với hàng nhập khẩu. Nếu bỏ khoản thu điều tiết, nhiều người lo ngại ít nhiều Nhà nước sẽ bị thất thu. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo công ty cũng khẳng định việc phê duyệt cạnh tranh với hàng nhập khẩu sẽ giúp công ty xuất bán nhiều hơn dẫn đến nộp thuế nhiều hơn, cả doanh nghiệp và Nhà nước đều được hưởng lợi.
Trong bối cảnh hội nhập, các hàng rào thuế quan đang được dỡ bỏ về 0%, theo các chuyên gia, doanh nghiệp cũng cần được bình đẳng và cạnh tranh sòng phẳng về nghĩa vụ về thuế và tài chính.
Việc được hoạt động theo cơ chế tự chủ cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Nhà nước có thể minh bạch hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo tiền đề trong việc thu hút vốn các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi mà các doanh nghiệp này sẽ cổ phần hóa theo đúng lộ trình Chính phủ đặt ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!