Tranh chấp kinh phí bảo trì chung cư liệu có được xử lý dứt điểm?

VTV Digital-Thứ tư, ngày 17/11/2021 06:06 GMT+7

VTV.vn - Hàng loạt chỉ đạo nóng từ phía cơ quan chức năng, xử phạt chủ đầu tư, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra… để ngăn chặn tình trạng chiếm dụng 2% kinh phí bảo trì chung cư.

Tuần qua, câu chuyện Thành phố Hà Nội có thể sẽ khởi tố một số chủ đầu tư chây ỳ bàn giao khoản tiền 2% kinh phí bảo trì chung cư đã được rất nhiều doanh nghiệp và người dân quan tâm. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng đã ký ban hành Chỉ thị số 02 về việc tăng cường công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư; nhằm chấn chỉnh và quyết liệt giải quyết tình trạng vi phạm về kinh phí bảo trì gây bức xúc tại nhiều dự án hiện nay.

Riêng trong năm nay, Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành 18 Kết luận Thanh tra tại các dự án, buộc 12/18 chủ đầu tư phải quyết toán để chuyển ngay phí bảo trì cho Ban quản trị đại diện cho cư dân, với số tiền gần 350 tỷ đồng. Có thể nói, sau rất nhiều năm tranh chấp dai dẳng, vấn đề xử lý tranh chấp chung cư đang được các cơ quan chức năng xử lý quyết liệt.

Tranh chấp kinh phí bảo trì chung cư liệu có được xử lý dứt điểm? - Ảnh 1.

Hình minh họa.

Nhiều giải pháp xử lý tranh chấp phí bảo trì chung cư

Chủ đầu tư chung cư Riveside Garden, 349 Vũ Tông Phan tại Quận Thanh Xuân, Hà Nội đã bị Thanh tra Bộ Xây dựng ra quyết định xử phạt 275 triệu đồng vì đã quản lý kinh phí bảo trì không đúng quy định. Ở thời điểm đó, chủ đầu tư còn "om" hơn 13 tỷ đồng phí bảo trì trên tổng số tiền hơn 24 tỷ đồng đã thu của khách hàng.

Đến thời điểm này, đại diện quận Thanh Xuân cho biết, chủ đầu tư đã chấp hành việc xử phạt và chuyển 1 phần kinh phí bảo trì cho Ban Quản trị. Tuy nhiên, giữa công ty và Ban Quản trị vẫn chưa hoàn tất quyết toán kinh phí bảo trì của phần sở hữu chung.

Tại nhiều chung cư khác, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đến cả cơ quan chức năng cũng không thể liên lạc được với chủ đầu tư.

Ông Trần Ngọc Minh, Trưởng phòng Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: "Bàn giao nhà cho dân nhưng chủ đầu tư thay đổi pháp nhân, thành 1 pháp nhân mới, tên mới, ông chủ của doanh nghiệp này không phải là chủ trước đây nữa. Việc xử lý rất phức tạp, cần chuyển cho cơ quan điều tra, xử lý những người đã gây thất thoát cho phí bảo trì.

PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội nói: " Giờ chủ đầu tư mất khả năng thanh toán, nguồn tiền họ không có, giờ mình ra quyết định xử phạt nhưng không có điều kiện thi hành thì quyết định cũng chỉ trên giấy thôi".

Các chuyên gia cũng cho rằng, mức xử phạt các chủ đầu tư chậm bàn giao phí bảo trì hiện tại chỉ dừng ở con số vài trăm triệu đồng. Trong khi đó, số tiền phí bảo trì, chiếm 2% giá bán căn hộ, mà chủ đầu tư om giữ lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng đối với các chung cư cao cấp.

Số tiền vài trăm triệu mà chủ đầu tư phải nộp phạt, có lẽ là con số rất nhỏ so với số tiền kinh phí bảo trì, vốn là "tiền tươi thóc thật" mà người dân đã nộp khi mua nhà, thậm chí, chưa bằng tiền lãi gửi ngân hàng trong một thời gian ngắn. Bởi vậy, ngoài xử phạt, các cơ quan chức năng đã tính tới các giải pháp mạnh tay hơn. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra, tại nhiều chung cư hiện nay, chủ đầu tư đã mất khả năng thanh toán, hoặc là có trường hợp là không có quỹ bảo trì, do chung cư đã xây dựng từ lâu. Việc giải quyết các trường hợp này như thế nào, đang là vấn đề "đau đầu" tại nhiều chung cư hiện nay.

Tranh chấp kinh phí bảo trì chung cư liệu có được xử lý dứt điểm? - Ảnh 2.

Hình minh họa.

Người dân kiến nghị quản lý phần thương mại chung cư

Chung cư 229 Phố Vọng tại Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, người dân đã vào ở từ 13 năm trước. Lúc đó, vẫn chưa có quy định pháp luật về việc lập quỹ bảo trì chung cư. Nhiều hạng mục đã xuống cấp, thấm mốc, nứt nẻ. Người dân ở đây khẳng định, các văn bản trước đó của thành phố đã chỉ ra, các khoản chi phí bảo trì tòa nhà sẽ được hỗ trợ từ nguồn thu các dịch vụ kinh doanh của tầng 1. Tuy nhiên, hiện nay, phần diện tích này đang được Công ty Sao Mai cho các đơn vị khác thuê còn người dân phải tự chi trả các chi phí sửa chữa tòa nhà.

Ông Chu Ngọc Thoan, chung cư 229 Phố Vọng, cho biết: "Từ năm 2016, Ban Quản trị phải huy động dân đóng ngay 1 lúc hơn 1,3 tỷ đồng để phục hồi thang máy. Theo đề nghị của Sở Xây dựng, nhà nước thu hồi quản lý tầng trệt, thu hồi vào mục đích kinh doanh, cho cư dân được hưởng cùng đơn vị kinh doanh. Nếu có làm cũng phải làm sớm, công trình đã xuống cấp".

Đây cũng là đề xuất chung tại nhiều chung cư hiện nay. Đó là các trường hợp nhà chung cư xây dựng trước khi có Luật Nhà ở 2014, hoặc chủ đầu tư đã hết sạch tiền. Cư dân kiến nghị có thể khai thác, kinh doanh các căn hộ chưa bán, phần thương mại, văn phòng… và dùng số tiền đó để duy tu, bảo dưỡng tòa nhà.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng, cho biết: "Trong các Nghị định của Chính phủ đã đặt ra các tình huống, không bàn giao, còn tiền không bàn giao hoặc hết tiền thì xử lý thế nào. Nếu phí bảo trì chung cư không còn thì phải sử dụng các phí kinh doanh khác của chủ đầu tư vì đây là tiền của dân. Trong trường hợp kinh phí kinh doanh này cũng không còn, phải xử lý các tài sản vì hầu hết các chủ đầu tư đều còn các tài sản ở các tòa nhà, giao cho UBND cấp tỉnh cưỡng chế để thu hồi phần này. Tới đây, trong định hướng sửa luật nhà ở chúng tôi sẽ quy định chặt chẽ hơn những điều này. Chúng tôi cho rằng những vướng mắc này chỉ xảy ra trước năm 2020 vì sau đó không còn trường hợp chủ đầu tư có thể sử dụng được phí bảo trì khi chúng ta quy đinh đưa vào tài khoản riêng".

Sẽ chuyển cơ quan điều tra chung cư chậm bàn giao phí bảo trì Sẽ chuyển cơ quan điều tra chung cư chậm bàn giao phí bảo trì

VTV.vn - Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện đã có 1 chung cư là chung cư 143/85 Hạ Đình, quận Thanh Xuân được Sở đề xuất với thành phố chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra xử lý.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước