Tràn lan thiết bị tiết kiệm điện giả

VTV Digital-Thứ hai, ngày 12/06/2023 20:18 GMT+7

VTV.vn - Nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng điện tăng cao cũng là lúc những bài quảng cáo thiết bị tiết kiệm điện liên tục xuất hiện trên các trang mạng.

Với giá từ 200.000 - 400.000 đồng, các thiết bị này được quảng cáo có thể giảm tiền điện hàng tháng xuống còn một nửa. Vào thời điểm ngành điện đang gặp khó khăn như hiện nay tiết kiệm điện là việc rất quan trọng. Tuy nhiên, thực tế những thiết bị này có được như quảng cáo hay không?

Phóng viên VTV đã thử nghiệm với 2 thiết bị tiết kiệm điện được rao bán rất nhiều trên các trang mạng xã hội cũng như các ứng dụng thương mại điện tử với lời quảng cáo là có thể tiết kiệm được 30 - 40% tiền điện hàng tháng để xác minh.

Với 1 bóng đèn 40W và đồng hồ đo cường độ dòng điện, lúc này dòng điện tiêu thụ của bóng đèn là 15A. Khi cắm thiết bị tiết kiệm điện vào chung ổ cắm thì dòng điện không những không giảm mà còn tăng lên tận 0,25A. Khi cắm một thiết bị tiết kiệm điện khác vào ổ cắm này cũng cho kết quả tương tự.

Qua thí nghiệm trên có thể thấy những thiết bị này không hề có tính năng tiết kiệm điện mà còn làm tốn thêm tiền điện hàng tháng.

Tràn lan thiết bị tiết kiệm điện giả - Ảnh 1.

Hai thiết bị tiết kiệm điện được rao bán rất nhiều trên các trang mạng xã hội.

Để chắc chắn hơn, phóng viên đã mang những thiết bị này đến Trung Điện tử viễn thông - Bộ Công Thương để kiểm tra. Sau khi tháo tung phần vỏ bên ngoài, bên trong chỉ có vài linh kiện rất đơn giản, chỉ có tác dụng thắp sáng bóng đèn led. Lãnh đạo Trung Điện tử viễn thông khẳng định tất cả những nội dung quảng cáo thiết bị tiết kiệm điện này đều là lừa đảo.

Tin vào những lời quảng cáo thiết bị tiết kiệm điện trên mạng, ông Bình (Cầu Giấy - Hà Nội) còn cẩn thận ghi lại chỉ số công tơ điện trong suốt 3 tháng cắm máy tiết kiệm điện. Tuy nhiên, số tiền điện hơn 2 triệu đồng 1 tháng vẫn chẳng hề thay đổi.

"Tôi có biết một chút về điện, nên tôi có ghi lại số điện hàng tháng sau khi tôi dùng cái máy này. Tôi thấy không có giá trị gì về tiết kiệm điện cả, cho dù mua khá là đắt, hơn 350.000 đồng một chiếc", ông Bình cho biết.

Không có tác dụng gì nhưng mỗi ngày vẫn có rất nhiều người dân mắc bẫy các đối tượng gian thương bằng những lời quảng cáo hấp dẫn, những clip dàn dựng tinh vi.

Với giá trung bình khoảng 400.000 đồng một thiết bị tiết kiệm điện giả, mỗi ngày những đối tượng gian thương thu về một khoản lợi nhuận không hề nhỏ, còn người dân chịu cảnh tiền mất tật mang do trót tin vào lời quảng cáo không hiệu quả trả lại tiền của những chủ hàng ảo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước