Hội thảo do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức vào ngày 18/12. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2019, dư nợ tín dụng đối với các dự án xanh là trên 310.000 tỷ đồng, tăng gần 30% so với năm 2018. Trong đó, tín dụng xanh dành cho các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm 15%.
Theo các chuyên gia, quá trình chuyển dịch cơ cấu năng lượng, cùng với việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả" đang mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, kéo theo nhu cầu về vốn vay. Tuy nhiên, các dự án năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng đang gặp không ít khó khăn trong việc huy động vốn. Các ngân hàng thương mại cho rằng, trở ngại nằm ở khâu thẩm định khi lĩnh vực này còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các dự án này đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro cao nên rất cần các ưu đãi về thời hạn và chi phí vốn vay. Trong khi đó, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng thường là ngắn hạn.
Theo các chuyên gia, trái phiếu xanh có thể là lời giải cho bài toán này. Tổng giá trị dư nợ trái phiếu xanh và bền vững của khu vực ASEAN lên tới 1,6 tỷ USD, trong đó 81% có triển vọng tốt. Do đó, các doanh nghiệp có rất nhiều cơ hội để tiếp cận vốn cho những dự án năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng từ nguồn tín dụng này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!