Đến đầu tháng 11/2015, huy động trái phiếu Chính phủ mới chỉ đạt 60% cả năm và đứng trước nguy cơ không đạt mục tiêu Quốc hội thông qua. Nguyên nhân chính là do các nhà đầu tư không mặn mà với kỳ hạn trên 5 năm, do vậy Quốc hội đã có Nghị quyết cho huy động trở lại kỳ hạn 3 năm. Nhờ vậy, trong hơn 1 tháng còn lại của năm 2015, lượng trái phiếu Chính phủ huy động được đạt gần 90.000 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa số huy động của 10 tháng trước đó.
Kết thúc năm 2015, Bộ Tài chính đã huy động được trên 256.000 tỷ đồng bao gồm tất cả các kỳ hạn từ 3 năm đến 30 năm, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Trong bối cảnh bội chi ngân sách luôn ở mức cao tới 5% GDP như hiện nay, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ không chỉ giúp cân đối ngân sách Nhà nước mà còn hỗ trợ vốn cho đầu tư phát triển kinh tế, kiềm chế lạm phát.
Từ chỗ hầu hết trái phiếu Chính phủ được huy động ngắn hạn, nay đã chuyển sang trung và dài hạn. Trước kia, các ngân hàng thương mại chiếm trên 90% tổng đầu tư vào thị trường trái phiếu Chính phủ, nay chỉ còn 77%. Năm 2015 cũng là năm đầu tiên các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tham gia mua trái phiếu Chính phủ thời hạn 20 năm và 30 năm với khối lượng trên 10.000 tỷ đồng.
Các nhà đầu tư nước ngoài chưa quan tâm đến thị trường trái phiếu Chính phủ khiến việc huy động chủ yếu vẫn ở kỳ hạn ngắn, lãi suất cao, gây áp lực lớn đến nợ công. Sắp tới, cần thu hút được các quỹ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam với kỳ hạn dài để thị trường trái phiếu Chính phủ phát triển làm cơ sở phát triển thị trường vốn và thị trường chứng khoán ở nước ta.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!