Để sẵn sàng cho việc xây dựng đề án thành lập TP Thủ Đức (đô thị phía Đông), TP.HCM đã và đang tiếp tục lấy kiến từ người dân, chuyên gia, các doanh nghiệp, nhà quản lý… Sau khi hình thành và phát triển, khu đô thị này sẽ tạo liên kết thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam.
Với đề án TP Thủ Đức, chính quyền TP.HCM chọn Quận 2, Quận 9 và Thủ Đức là khu vực phát triển ý tưởng này. Khu vực này sở hữu vị trí trọng tâm trong vùng tam giác vàng TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu, là cửa ngõ của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ, nối ra sân bay Quốc tế Long Thành tương lai, tiếp giáp khu vực cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng tàu).
Có thể thấy, TP Thủ Đức lý tưởng cho phát triển một siêu đô thị với đầy đủ chức năng về hạ tầng, mang lại lợi ích kinh tế cho TP.HCM và các tỉnh lân cận.
TP Thủ Đức hình thành trên cơ sở sáp nhập, tinh gọn bộ máy hành chính, nâng cao quản lý. (Ảnh: Dân trí)
Nằm trong khu đô thị sáng tạo, khu công nghệ cao TP.HCM đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi và nâng cao giá trị xuất khẩu. Giai đoạn từ đây đến 2025, TP.HCM tiếp tục xây dựng thêm khu công nghệ cao thứ hai, nhằm đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp mở rộng sản xuất, tạo làn sóng tăng trưởng mới.
"Tập trung vào thu hút các hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn, ví dụ như nghiên cứu phát triển, chứ không phải là sản xuất công nghệ cao và thu hút doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái, trong chuỗi cung ứng xoay quanh doanh nghiệp FDI mà chúng ta đã thu hút; đồng thời thu hút những dự án có chất lượng cao", ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM, cho biết.
TP Thủ Đức hình thành trên cơ sở sáp nhập, tinh gọn bộ máy hành chính, nâng cao quản lý. Theo các chuyên gia, việc xác định 6 khu vực chức năng sẽ tạo đột phá khu đô thị sáng tạo như: trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm, khu công nghệ cao, trung tâm giáo dục đại học, khu sinh thái Tam Đa… Do đó, TP Thủ Đức sẽ trở thành điểm nóng thu hút đầu tư, góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng, kỹ thuật hiện đại.
Với đề án TP Thủ Đức, chính quyền TP.HCM chọn Quận 2, Quận 9 và Thủ Đức là khu vực phát triển ý tưởng này. (Ảnh: Dân trí)
"Thành phố sẽ tạo lan tỏa cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Khu công nghệ cao TP.HCM khi thành lập nó mang tính quốc gia, do thành phố quản lý. Do đó, nó có tác động lan tỏa cho và thực hiện vai trò thành phố là đầu tàu, là hạt nhân tăng trưởng của vùng trong điều kiện mới, khác với trước đây", chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch nhận định.
"Chúng ta mong đợi trong thời gian tới TP Thủ Đức sẽ phát triển phù hợp với xu thế phát triển công nghiệp 4.0, là đô thị tương tác cao, là đô thị sáng tạo kết hợp nguồn nhân lực, khoa học, có đủ điều kiện hình thành và phát triển như sự mong đợi", ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho hay.
Dự kiến, TP Thủ Đức sẽ đóng góp 30% GRDP cho TP.HCM và chiếm 7% GDP của cả nước. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, ngoài việc ưu tiên đầu tư hạ tầng, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế tri thức, thu hút nhân tài, cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư sẽ là những bước đi cần thiết trong lộ trình hiện thực hóa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!