Vành đai 3 là dự án giao thông liên vùng lớn nhất miền Nam. Ngay đầu tháng 11 vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành việc cắm mốc cho dự án này.
Hầu hết các hộ dân có tuyến đường Vành đai 3 đi qua, như gia đình anh Thảo (xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) đều đồng thuận với chủ trương giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án. Bởi trong tương lai, từ đất ruộng, khu vực này sẽ trở thành tuyến đường chiến lược của TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, gia đình anh cũng đang trông chờ vào mức giá đền bù, tái định cư, để an tâm sản xuất trong tương lai.
"Vành đai 3 đi qua thì người dân phấn khởi. Cũng mong muốn được đền bù thỏa đáng để mua được miếng đất, canh tác lại, sinh sống", bà Nguyễn Thị Miến, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, chia sẻ.
"Khi có giá đền bù thì chúng tôi sẽ xung phong ký đầu tiên. Cũng như bà con ở đây, tôi mong muốn sớm triển khai dự án", ông Trương Minh Thảo, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, cho biết.
Một đoạn đường nằm trong quy hoạch Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Dân trí)
Một trong gần 200 cọc giải phóng mặt bằng của tuyến đường Vành đai 3 đi qua địa phận huyện Củ Chi. Những ngày qua, địa phương đang ráo riết đi khảo sát các điểm cắm mốc của dự án, lắng nghe người dân để, bởi dự án sẽ là một trong những động lực mạnh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà trong tương lai.
"Huyện đã thực hiện kiểm kê, thu thập tất cả chứng nhận của người dân có liên quan, đồng thời ký hợp đồng với trung tâm đo đạc để đo vẽ hiện trạng cho các hộ dân; quyết tâm đẩy nhanh giải phóng mặt bằng để bàn giao cho đơn vị thi công nhằm đưa dự án Vành đai 3 đi vào hoạt động sớm nhất", ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng Giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 3, huyện Củ Chi, cho hay.
Khối lượng giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 3 tại TP Hồ Chí Minh là rất lớn, với hơn 2.300 hộ dân, trong đó có 740 hộ dân cần tái định cư. Tuy nhiên, thành phố phấn đấu đây sẽ là dự án kiểu mẫu cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho tất cả các dự án khác trên địa bàn.
"Thành phố đang cố gắng làm sao để giá bồi thường với giá thị trường rút ngắn lại, như vậy mới nhận được sự đồng thuận của bà con. Bên cạnh đó căn hộ tái định cư cũng thực hiện sớm, nguyên tắc tái định cư tại chỗ để bà con không bị ảnh hưởng về công ăn việc làm, học hành của con cháu", ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh, thông tin.
Hiện các địa phương đang chia nhân sự thành nhiều nhóm nhỏ, đến từng nhà dân để tuyên truyền về lợi ích của dự án Vành đai 3.
Lấy dân làm gốc, hài hòa lợi ích của người dân và sự lợi ích của dự án. Đây là yếu tố quan trọng nhất để việc giải phóng mặt bằng thuận lợi, sớm hoàn thành bàn giao 100% mặt bằng "sạch" cho chủ đầu tư tiến hành thi công vào cuối năm 2023.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!