TP Hồ Chí Minh muốn xây 70.000 căn nhả ở xã hội đến năm 2030

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 06/09/2024 07:15 GMT+7

VTV.vn - Dự án Nhà ở xã hội tại huyện Bình Chánh, với quy mô 1.400 căn hộ sẽ được đưa vào sử dụng. Đây là dự án được chính quyền Thành phố vận dụng Nghị quyết 98 để thực hiện.

Tổng dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tính đến cuối tháng 7 năm nay đã đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm 27,6% trong tổng dư nợ tín dụng và tăng 5,5% so với cuối năm ngoái. Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Trong đó, tín dụng nhà ở (gồm nhà ở xã hội; nhà ở thương mại và nhà ở khác) chiếm tỷ trọng cao nhất, khoảng 57%. Riêng dư nợ cho vay nhà ở xã hội đạt hơn 2.500 tỷ đồng, tăng 78% so với cuối năm. Ngoài ra, tín dụng bất động sản phục vụ sản xuất kinh doanh, như cho vay phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất; xây dựng văn phòng, cao ốc, nhà hàng, khách sạn khu du lịch đều đạt tốc độ tăng trưởng khá.

Cũng tại TP Hồ Chí Minh, sẽ có hơn 1.400 căn hộ nhà ở xã hội được đưa ra thị trường. Đây là tin vui đối với người dân, đặc biệt là đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp. Đáng chú ý, đây cũng là dự án đầu tiên áp dụng cơ chế chính sách đột phá từ Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh. Cùng với Luật Nhà ở 2023 đã có hiệu lực và Nghị định 100 của Chính phủ, đã điều chỉnh nâng mức thu nhập lên không quá 15 triệu đồng/tháng. Các chuyên gia dự báo, nguồn cung tăng lên sẽ tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được nhà ở xã hội được thuận lợi hơn.

Dự án Nhà ở xã hội tại huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh vừa được khởi công xây dựng, với quy mô hơn 1.400 căn hộ, dự kiến sau 3 năm xây dựng sẽ được đưa vào sử dụng. Đây là dự án nhà ở xã hội được chính quyền Thành phố vận dụng Nghị quyết 98 để tháo gỡ khó khăn, đó là chấp nhận đất thực hiện dự án không cần có đất ở.

Ông Lê Hữu Nghĩa - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng thương mại Lê Thành cho biết: "Không cần phải có đất ở vẫn được làm nhà ở xã hội. Và Nghị quyết 98 đã giải quyết vấn đề chấp thuận chủ trương đầu tư, nếu phù hợp với quy hoạch phân khu hay là quy hoạch chung thì vẫn chấp thuận đầu tư. Nhưng triển khai nó thì chúng ta vẫn phải điều chỉnh quy hoạch phù hợp, chúng ta mới phê duyệt 1/500".

Thống kê của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, từ năm 2021 đến nay, Thành phố đã đưa vào sử dụng 6 dự án nhà ở xã hội với quy mô 2.700 căn và đang thi công 4 dự án với 3.000 căn.

Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng, Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực, đặc biệt là cơ chế chính sách nhà ở xã hội đã được điều chỉnh, đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư và thúc đẩy nguồn cung trong thời gian tới.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho hay: "Tháo gỡ vướng mắc về chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư; tháo gỡ vướng mắc nhà đầu tư thoả thuận nhận chuyển quyền sử dụng đất đối với đất khác không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở xã hội. Nó khác dự án nhà ở thương mại là phải thoả thuận về đất ở mà thôi".

Về nguồn vốn, TP Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều chính sách cho vay ưu đãi đối với nhà ở xã hội. Hiện Thành phố có 3 dự án đã và đang vay vốn tín dụng gói 120.000 tỷ đồng. Riêng một dự án nhà ở cho công nhân thuê trên địa bàn TP Thủ Đức đã giải ngân 170 tỷ đồng.

"Gói 120.000 tỷ đồng thì trong gần đây thì đã có 4 ngân hàng thương mại cổ phần đăng ký tham gia gói này. Mỗi ngân hàng đăng ký 5.000 tỷ đồng đã nâng hạn mức lên 140.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy sự quan tâm của các ngân hàng thương mại cổ phần về sự chia sẻ trong những gói kích thích nhà ở xã hội", ông Võ Hồng Thắng - Phó Tổng giám đốc DKRA Group chia sẻ.

Thời gian tới, TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung rà soát, điều chỉnh lại các quy hoạch, trong đó có các quy hoạch về phát triển nhà ở. Khi đó sẽ tạo được những điều kiện mới thu hút các nhà đầu tư, để hướng tới mục tiêu đến năm 2030 sẽ xây dựng gần 70.000 căn nhà ở xã hội.

Để đẩy nhanh nguồn cung hơn nữa tại các địa phương. Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định ban hành kế hoạch triển khai công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới. Trong đó, kế hoạch nêu rõ các Bộ, ngành, chính quyền địa phương tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ, giải pháp về phát triển nhà ở xã hội. Bên cạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hiệu quả quản lý, hoàn thiện chính sách phát triển nhà ở xã hội thì kế hoạch cũng đã nêu rõ cần ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách từ trung ương đến địa phương, đa dạng các nguồn vốn để kịp thời đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển nhà ở xã hội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước