TP Hồ Chí Minh giải thích về mức thu phí hạ tầng cảng biển

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 03/06/2022 19:07 GMT+7

VTV.vn - UBND TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ nêu rõ cơ sở pháp lý và các mức thu, chênh lệch mức thu phí hạ tầng cảng biển.

Trước những kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Bộ Tài chính… về việc thu phí hạ tầng cảng biển, UBND TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, nêu rõ cơ sở pháp lý và các mức thu, chênh lệch mức thu.

TP Hồ Chí Minh giải thích về mức thu phí hạ tầng cảng biển - Ảnh 1.

Cảng Cát Lái. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Cuối năm 2020, Hội đồng Nhân dân TP Hồ Chí Minh đã thông qua Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ban hành mức thu phí hạ tầng cảng biển, triển khai từ ngày 1/7/2021.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Hội đồng Nhân dân thành phố đã 2 lần thông qua Nghị quyết lùi thời hạn thu phí và chính thức thu từ 1/4/2022.

Mức thu đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, áp dụng mức thu 50.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container; 4,4 triệu đồng/container 40ft và 2,2 triệu đồng với container 20ft.

Đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai ngoài TP Hồ Chí Minh sẽ áp dụng mức 500.000 đồng/container 20ft; 1 triệu đồng/container 40ft và 30.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.

Trong khi hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai tại TP Hồ Chí Minh áp dụng mức thu là 250.000 đồng/container 20ft; 500.000 đồng/cont với container 40ft và 15.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.

UBND TP Hồ Chí Minh cho biết căn cứ Thông tư số 85/2019/TT-BTC ngày 29/11/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân TP Hồ Chí Minh là phù hợp theo quy định. Đó là mức thu phí xây dựng trên nguyên tắc phù hợp khả năng đóng góp của người nộp, thuận lợi cho người thu phí và người nộp phí; mức thu phí xây dựng phù hợp việc sử dụng kết cấu hạ tầng cũng như việc đóng góp các khoản phí, thuế cho ngân sách; phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của thành phố.

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, để hạn chế số lượng các phương tiện vận chuyển hàng hóa ra, vào thành phố trong giai đoạn hạ tầng giao thông chưa thể đáp ứng như hiện nay, cần thiết có giải pháp kinh tế.

Căn cứ Thông tư số 85/2019/TT-BTC, mức thu phí của TP Hồ Chí Minh thấp hơn thu phí tại cửa khẩu biên giới Lạng Sơn, Lào Cai, Tây Ninh... và tương đương mức thu phí của Hải Phòng.

Đồng thời, mức thu phí cho hàng hóa xuất nhập khẩu mở tờ khai ngoài TP Hồ Chí Minh được xây dựng cao hơn so với mở tờ khai tại thành phố nhằm điều tiết giao thông, giảm áp lực lên hệ thống hạ tầng thành phố thông qua việc nâng cao mức phí để các doanh nghiệp tại các địa phương khác lựa chọn việc vận chuyển hàng hóa đến các bến cảng biển khác thuộc các địa phương khác như Bình Dương, Đồng Nai, Long An.

Thống kê cho thấy, sản lượng hàng thông qua cảng biển tại TP Hồ Chí Minh năm 2019 là hơn 168 triệu tấn, vượt xa so với số liệu dự báo của Bộ Giao thông Vận tải vào năm 2030 là 159,9 triệu tấn. Đồng thời, Báo cáo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Công trình Hàng hải lập, báo cáo tháng 10/2020 cũng dự báo lượng hàng hóa thông qua cảng biển TP Hồ Chí Minh đến năm 2030 đạt 236,9 triệu tấn.

Trong tổng số hàng hóa qua cảng biển TP Hồ Chí Minh, có 40% là hàng hóa làm thủ tục thông quan tại TP Hồ Chí Minh; 55% hàng hóa thuộc các địa phương khác làm thủ tục thông quan tại các địa phương ngoài TP Hồ Chí Minh; 5% là hàng tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu.

Như vậy, 60% hàng hóa đi vào, ra khỏi thành phố sử dụng kết cấu hạ tầng và dịch vụ tiện ích của thành phố.

Với tình hình lưu lượng hàng hóa vận chuyển qua khu vực cửa khẩu cảng biển TP Hồ Chí Minh như trên đã gây áp lực lên hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các khu bến cảng, vốn đã thiếu và quy mô nhỏ.

Cũng theo UBND TP Hồ Chí Minh, ban đầu mức thu phí xây dựng cho xuất nhập khẩu hàng hóa container 20ft là 500.000 đồng/cont; container 40ft là 1 triệu đồng/cont; hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container là 30.000 đồng/tấn.

Sau khi xem xét việc đóng góp các khoản phí, thuế cho ngân sách và điều kiện xã hội, thành phố xác định giảm 50% mức phí cho các doanh nghiệp mở tờ khai là những doanh nghiệp đóng góp ngân sách thành phố.

Còn về kiến nghị của Bộ Tài chính xem xét sớm điều chỉnh mức thu phí đối với hàng hóa xuất nhập khẩu mở tờ khai trong và ngoài thành phố là như nhau, UBND TP Hồ Chí Minh cho biết thành phố mới triển khai thu phí hạ tầng cảng biển được hơn 1 tháng nên chưa có đầy đủ cơ sở dữ liệu để đánh giá.

Do đó, UBND TP Hồ Chí Minh đã giao Sở Giao thông Vận tải tiếp tục theo dõi tình hình thu phí hạ tầng cảng biển và ghi nhận các ý kiến góp ý của các bộ ngành, hiệp hội, doanh nghiệp và các cơ quan ban ngành để tổ chức tổng kết, đánh giá tình hình thu phí, rà soát sự phù hợp.

Nếu cần sửa đổi, UBND thành phố sẽ trình Hội đồng Nhân dân thành phố sửa đổi Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND trong thời gian sớm nhất.

Bất đồng thu phí hạ tầng cảng biển TP Hồ Chí Minh Bất đồng thu phí hạ tầng cảng biển TP Hồ Chí Minh

VTV.vn - Gần 2 tháng kể từ khi TP Hồ Chí Minh chính thức thu phí hạ tầng cảng biển, vẫn có rất nhiều ý kiến trái chiều từ các doanh nghiệp, hiệp hội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước