Trong bối cảnh triển vọng đàm phán giữa hai bên vẫn chưa rõ ràng, nhiều câu hỏi đã được đặt ra xung quanh tính khả thi của tuyên bố trên. Theo giới chức Mỹ, Tổng thống Donald Trump hoàn toàn có đủ thẩm quyền yêu cầu các doanh nghiệp Mỹ rời khỏi Trung Quốc. Bởi theo Đạo luật quyền lực kinh tế Khẩn cấp năm 1977, Tổng thống có quyền điều chỉnh hoạt động thương mại quốc tế, trong tình huống Mỹ gặp phải một mối nguy to lớn và bất thường từ nước ngoài đối với nền kinh tế, chính sách ngoại giao hay an ninh quốc gia của Mỹ.
Ông Steven Mnchin - Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ cho hay: "Tổng thống có quyền làm như vậy, nếu như ông ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Tổng thống Trump chỉ muốn đảm bảo, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Trung Quốc kéo dài, các công ty Mỹ sẽ không gặp phải vấn đề gì và rời khỏi Trung Quốc tới những địa điểm khác tốt hơn".
Tuy nhiên, trên thực tế, đạo luật này chưa bao giờ được sử dụng để giải quyết xung đột thương mại. Chỉ thị của Tổng thống Trump nếu được thực hiện sẽ tác động mạnh đến các doanh nghiệp Mỹ, vốn đã đầu tư tổng cộng 256 tỉ USD tại Trung Quốc trong giai đoạn 1990-2017, cao gần gấp đôi so với mức đầu tư mà các doanh nghiệp Trung Quốc rót vào Mỹ.
Ông Adam Sitkoff - Giám đốc Điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội cho biết: "Việc chuyển dịch cả dây chuyền sản xuất là một việc rất phức tạp, tốn nhiều chi phí và các doanh nghiệp Mỹ đã phải mất rất nhiều thời gian và công sức để tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng tại địa phương đó. Không thể nào nói doanh nghiệp dừng hợp tác và quay trở lại Mỹ là họ có thể dừng được luôn. Tổng thống Trump hiểu rõ điều đó. Vì vậy, sẽ không có chuyện tổng Thống Trump bắt các doanh nghiệp rời khỏi Trung Quốc".
Dĩ nhiên, vẫn có khả năng Tổng thống Trump sử dụng một số công cụ quyền lực để gây áp lực ép các công ty Mỹ.
"Tổng thống Trump có thể có những cách tác động khác gây áp lực lên doanh nghiệp Mỹ như giảm bớt việc mua sắm Chính phủ đối với sản phẩm của các doanh nghiệp hợp tác với Trung Quốc. Điều này sẽ khiến nhiều doanh nghiệp cảm thấy không hài lòng", Adam Sitkoff cho biết.
Đây mới chỉ là kịch bản do Tổng thống Trump viết trên Twitter, tức chưa phải là một văn bản chính thống. Do đó, nhiều người tin rằng, đây thực chất chỉ là động thái bắn tín hiệu cho phía Trung Quốc thấy thuế quan không hẳn là món vũ khí duy nhất mà nhà lãnh đạo Mỹ có thể sử dụng trong cuộc chiến thương mại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!