Thị trường còn nhiều dư địa để phát triển
Năm 2023, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nói chung và nền kinh tế trong nước nói riêng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thị trường bảo hiểm cũng gặp những khó khăn nhất định.
Tuy vậy, với nỗ lực triển khai hàng loạt chính sách của Chính phủ về hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế, thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn đạt kết quả đáng ghi nhận và được kỳ vọng sẽ tiếp tục đà tăng trưởng trong thời gian tới.
Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, đến ngày 30/11, thị trường bảo hiểm có 82 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm; trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 29 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm; 01 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
Tổng tài sản của thị trường bảo hiểm ước đạt 913.336 tỷ đồng, tăng 11,12% so với cùng kỳ năm trước; đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 762.580 tỷ đồng, tăng 12,78% so với cùng kỳ năm trước; Tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 190.227 tỷ đồng, tăng 7,09% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường bảo hiểm Việt Nam đã đạt kết quả đáng ghi nhận. Ảnh minh họa.
Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 227.596 tỷ đồng, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tăng 2%, thị trường bảo hiểm nhân thọ giảm khoảng 12,5% so với cùng kỳ năm 2022; chi trả quyền lợi bảo hiểm ước khoảng 86.467 tỷ đồng, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đây là những con số cho thấy, sự tăng trưởng cũng như sự đóng góp của thị trường bảo hiểm đối với sự phát triển của kinh tế đất nước và an sinh xã hội.
"Thị trường bảo hiểm ngày càng thể hiện được vai trò, vị trí đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; cũng như một phần đem lại sự bảo vệ về tài chính, sức khỏe cho nhân dân", Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết.
Thị trường bảo hiểm Việt Nam cũng được đánh giá là còn nhiều dư địa để phát triển. Cụ thể, tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm trên GDP hiện nay mới chỉ đạt mức hơn 3%, thấp hơn so với mức trung bình của khối ASEAN là 3,35%, châu Á 5,37% và mức trung bình thế giới (6,3%).
Đến nay, Việt Nam có khoảng 12% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ. Theo ước tính, doanh thu phí bảo hiểm bình quân GDP tại Việt Nam đến năm 2025 đạt khoảng 3,5%.
Hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường hợp tác quốc tế
Trong thời gian tiếp theo, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và tăng cường sự minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm.
Đồng thời, tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hướng tới quản lý, giám sát bảo hiểm dựa trên cơ sở quản trị rủi ro; đa dạng hóa các sản phẩm bảo hiểm, phương thức kinh doanh mới, khuyến khích nghiên cứu phát triển các sản phẩm bảo hiểm dành cho người già, các sản phẩm bảo hiểm tích hợp các dịch vụ hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người tham gia bảo hiểm.
Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp; các sản phẩm bảo hiểm rủi ro thảm họa, thiên tai, rủi ro mới phát sinh thông qua cơ chế quỹ rủi ro bảo hiểm; bảo hiểm xanh; sản phẩm bảo hiểm về an toàn, an ninh mạng và giao dịch trên không gian mạng.
Bộ Tài chính cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm. Trong đó, một trong những sự kiện nổi bật là từ ngày 5 - 8/12/2023, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Cơ quan quản lý bảo hiểm ASEAN lần thứ 26 và Hội nghị Hội đồng bảo hiểm ASEAN lần thứ 49 (AIC49). Mục tiêu của Hội nghị là tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực bảo hiểm, xây dựng và thực hiện các chương trình hợp tác, trao đổi thông tin và kinh nghiệm; tổ chức các chương trình đào tạo về bảo hiểm…
Với chủ đề "Bền vững, toàn diện và kết nối", Hội nghị AIRM 26 và Hội nghị AIC 49 tại Việt Nam năm nay được các cơ quan quản lý, doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam nói riêng, khu vực ASEAN kỳ vọng sẽ thúc đẩy, tăng cường tính bền vững, toàn diện và khả năng chống chịu của thị trường bảo hiểm mỗi nước thành viên và thị trường bảo hiểm khu vực ASEAN. Qua đó, góp phần tích cực trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội của mỗi nước thành viên và trong toàn khu vực.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!