"Tổng Liên đoàn Lao động không nên "ôm" làm nhà ở xã hội"

Thuỳ An-Thứ sáu, ngày 25/08/2023 16:01 GMT+7

VTV.vn - Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nên làm đúng chức năng của của tổ chức chính trị - xã hội.

Chiều 25/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Trình bày báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), về quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết trong Thường trực Ủy ban Pháp luật có 2 loại ý kiến.

Tổng Liên đoàn Lao động không nên ôm làm nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Trong đó, nhiều ý kiến tán thành quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho công nhân thuê theo đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Tuy nhiên, do đây là các dự án nhà ở công nhân để cho thuê, vốn đầu tư lớn nhưng thời gian thu hồi vốn dài nên cần bổ sung đánh giá tác động về nguồn lực đầu tư và khả năng thu hồi vốn. Làm rõ trình tự, thủ tục đầu tư theo pháp luật đầu tư hay pháp luật đầu tư công và hình thức sở hữu đối với nhà ở hình thành trong dự án để có cơ chế quản lý phù hợp.

Đồng thời, cần chỉnh lý, bổ sung các quy định có liên quan của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân và cho thuê nhà ở này.

Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng không nên quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Các ý kiến cho rằng đây là vấn đề mới, còn nhiều nội dung chưa được làm rõ, quá trình thí điểm thời gian qua còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ "chín" để quy định trong Luật.

"Do đó, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Đề án báo cáo Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm chính sách Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cho công nhân trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong Luật", Thường trực Ủy ban Pháp luật cho biết.

Tổng Liên đoàn Lao động không nên ôm làm nhà ở xã hội - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương

Góp ý về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng cần nghiên cứu chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức chính trị - xã hội, có hay không nên làm chức năng hành chính.

"Tôi nghĩ tổ chức chính trị xã hội không nên "ôm" cái này vào", Phó Chủ tịch Quốc hội nêu ý kiến.

Lý giải cho quan điểm này, ông Phương lo ngại Tổng Liên đoàn Lao động không có lực lượng đủ mạnh để đảm nhiệm vài trò chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Theo ông Phương, Tổng Liên đoàn Lao động nên làm đúng chức năng của của tổ chức chính trị xã hội (giám sát, phản biện, xã hội, tham mưu về chính sách). Tổng Liên đoàn Lao động là đại diện cho quyền làm chủ của công nhân nhưng không có nghĩa là bất cứ cái gì cũng làm.

Ngoài ra theo ông Phương, Tổng Liên đoàn Lao động cũng không có nguồn lực khi tiền của nhà nước, trong khi không có nhân sự để làm.

"Phải tính kỹ vấn đề này bởi nếu làm khi không hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ có thể bị xử lý vi phạm", Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Liên quan đến vấn đề đất để xây dựng nhà ở xã hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề xuất 02 phương án. Trong đó, phương án 1 sẽ tiếp tục quy định trách nhiệm xã hội của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại và bổ sung trách nhiệm này, tuy nhiên cần phải linh hoạt về phương thức thực hiện. Theo đó, chủ đầu tư có thể dành quỹ đất trong dự án nhà ở thương mại đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật (đối với các dự án lớn, quy hoạch các khu vực nhà ở biệt lập, không có tác động tiêu cực về hạ tầng xã hội và điều kiện sống giữa các khu nhà ở có tiêu chí khác nhau). Hoặc quỹ đất ở vị trí khác hay đóng góp bằng tiền mức tương đương giá trị quỹ đất.

Phương án 2 là trách nhiệm bố trí quỹ đất nhà ở xã hội thuộc về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại không phải có trách nhiệm đóng góp phát triển nhà ở xã hội.

Theo ông Tùng, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành Phương án 1.

Tổng Liên đoàn Lao động không nên ôm làm nhà ở xã hội - Ảnh 3.

Liên quan đến vấn đề đất để xây dựng nhà ở xã hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành phương án tiếp tục quy định trách nhiệm xã hội của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại và bổ sung trách nhiệm này

Về nội dung cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp Luật Hoàng Thanh Tùng cho biết có ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần dự liệu phương án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư khả thi hơn trong giai đoạn nhiều năm tới. Bởi khi các nhà chung cư hiện đại, mới xây dựng trong thời gian gần đây đều đã khai thác tối đa hệ số cao tầng, sau này khi cải tạo, xây dựng lại thì không thể nâng chiều cao thêm nữa. Khi đó dự án sẽ không đủ hấp dẫn nhà đầu tư nếu phải thực hiện cơ chế bồi thường với hệ số K như hiện nay.

Tiếp thu ý kiến, Thường trực Ủy ban Pháp luật sẽ chỉnh lý dự thảo luật theo hướng đối với các chung cư cũ (xây dựng trước năm 1994) thì tiếp tục kế thừa quy định của pháp luật nhà ở hiện hành về việc áp dụng hệ số K bồi thường căn hộ.

Đối với các chung cư mới xây dựng sau năm 1994 mà sau này thuộc diện được xây dựng lại do vẫn phù hợp với quy hoạch thì các chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm đóng góp kinh phí xây dựng lại nhà chung cư. Nếu không đóng góp kinh phí xây dựng lại thì được bồi thường quyền sử dụng đất, giá trị nhà ở còn lại (nếu có) theo quy định của Chính phủ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước