Tổng Giám đốc VCBF: Kinh tế sẽ tiếp tục có những tăng trưởng ấn tượng

P.V-Thứ ba, ngày 16/07/2024 18:14 GMT+7

VTV.vn - Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF) nhận định nền kinh tế sẽ tiếp tục có những tăng trưởng ấn tượng trong 6 tháng cuối năm 2024 cũng như là năm 2025.

Động lực cho tăng trưởng kinh tế

Tổng cục Thống kê mới đây cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2024 tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng ước đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, GDP tăng 6,42%. Trong chương trình Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, đánh giá về sự tăng trưởng kinh tế trong nửa đầu năm 2024, bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF) cho biết, tăng trưởng kinh tế của quý II đã vượt tất cả các dự báo trước đó, mức 6,93% là mức rất cao, cùng với việc điều chỉnh GDP quý I/2024 từ 5,7% lên 5,9% thì tăng trưởng của 6 tháng đầu năm đã lên đến 6,4% ở mức rất cao so với chỉ 3,7% trong 6 tháng đầu năm 2023.

Theo bà Nga, mức tăng trưởng cao này có thể được giải thích bởi hai yếu tố chính: Thứ nhất, có thể nói ngành chế biến, chế tạo là điểm sáng về tăng trưởng khi đã tăng tới 10% trong 6 tháng đầu năm 2024 và riêng ngành chế biến, chế tạo cũng đã đóng góp tới 30% tăng trưởng; Còn động lực của sự tăng trưởng ngành chế biến, chế tạo thì tôi nghĩ là đến từ hai yếu tố chính, thứ nhất là tăng trưởng về xuất khẩu, sau một thời gian dài năm 2023, nhiều doanh nghiệp bán lẻ, đặc biệt là của Mỹ, họ đã cắt giảm mua hàng để giảm lượng hàng tồn kho thì trong năm 2024, họ đã bắt đầu mua hàng trở lại. Động lực thứ hai là rất nhiều FDI đi vào hoạt động giúp FDI giải ngân tăng mạnh trong các năm vừa qua.

Ngoài ra, còn một động lực quan trọng nữa cho tăng trưởng kinh tế đó là ngành du lịch, khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam đã đạt tới 8,8 triệu khách trong vòng 06 tháng đầu năm 2024, tăng tới 58% so với cùng kỳ năm trước và đã cao hơn mức trước COVID-19 và tổng thu từ khách du lịch nước ngoài đã đạt khoảng 6 tỷ USD, tăng tới 40%. Với những động lực như vậy thì có thể kỳ vọng là nền kinh tế sẽ tiếp tục có những bước khởi sắc trong các quý tiếp theo

Liên quan đến thị trường chứng khoán, bà Nga cho biết thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những khởi sắc rất tốt từ sau khi tạo đáy tháng vào 10/2023, rồi tăng trưởng suốt từ đó đến quý I/2024. Một trong những lý do giúp thị trường tăng trưởng trong thời gian đó là bởi vì thứ nhất mức định giá thị trường ở nền rất thấp và thứ hai là lãi suất cũng ở mức thấp, cộng với việc các doanh nghiệp có những cải thiện về mặt lợi nhuận. Tuy vậy, tăng trưởng của thị trường đã chững lại kể từ tháng 4 và cũng có những đợt điều chỉnh khá mạnh. Những lý do có thể kể đến như mối lo ngại về tỷ giá, về lãi suất.

Về mặt tỷ giá thì do tại Mỹ, lãi suất vẫn được duy trì ở mức cao và mức chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ đang khá là lớn, dẫn đến gây ra áp lên lực tỷ giá rất lớn... Và để giảm áp lực lên tỷ giá thì Ngân hàng Nhà nước đã phải có những động thái hút dòng tiền ở trên hệ thống liên ngân hàng. Cùng với áp lực về lạm phát khi lạm phát trong quý II tăng 4,4% dẫn đến những lo ngại về việc sẽ phải tăng lãi suất trở lại. Và trên thực tế, cũng đã thấy một số ngân hàng đã bắt đầu có động thái tăng lãi suất huy động, điều đó đã ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư.

"Một điểm tiếp theo cũng ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư đó là nhà đầu tư nước ngoài bán ròng. Họ đã liên tục bán ròng trong suốt cả năm 2023 và đến đầu năm 2024, từ đầu năm đến nay thì nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng tới gần 2 tỷ USD", Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF) cho biết.

Hiện nay, một vấn đề mà nhà đầu tư cũng đang quan tâm nhiều là khối ngoại vẫn bán ròng liên tục trong bối cảnh trong nước nhiều thông tin tích cực, Fed cũng tuyên bố sẽ giảm lãi suất dù không nhiều như dự kiến, nhưng vẫn sẽ trong xu hướng giảm. Nhận định về vấn đê này, bà Nga cho rằng điều này cũng khá là dễ hiểu, bởi vì chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và các nước phát triển dẫn đến các nhà đầu tư bán ròng. Các cơ hội đầu tư ở các nước khác, đặc biệt là các nước phát triển đang rõ ràng hơn rất nhiều, kể cả đầu tư vào trái phiếu hay là cổ phiếu. Đối với trái phiếu thì lãi suất ở các nước này thì đang rất cao so với Việt Nam.

Về mặt cổ phiếu thì những chủ điểm đầu tư, đặc biệt là chủ điểm công nghệ liên quan đến AI hay là bán dẫn đang rất hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Chính vì vậy nên dòng tiền này ở một số nước mới nổi, ví dụ như Việt Nam, Thái Lan, Brazil hay Trung Quốc đều bị giảm.

Trong khi đó, dòng tiền lại gia tăng ở các nước phát triển, ví dụ như Mỹ, châu Âu, Nhật hay Hàn Quốc. Từ đầu năm đến nay, có tới 132.000 tỷ USD đổ vào thị trường Mỹ, còn trong vòng 12 tháng qua là khoảng hơn 220.000 tỷ USD. Trong tương lai khi mà FED giảm lãi suất,  có thể kỳ vọng áp lực bán trên thị trường Việt Nam sẽ giảm đi.

"Tuy vậy, những công ty mà có thể hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài thì chúng ta thấy càng ngày càng ít. Với những câu chuyện tăng trưởng chúng ta nhìn thấy cách đây 5 - 7 năm ở một số tập đoàn lớn thì bây giờ chúng ta đang không nhìn thấy những câu chuyện tăng trưởng của những tập đoàn mới ở trên thị trường", bà Nga cho biết.

Tổng Giám đốc VCBF: Kinh tế sẽ tiếp tục có những tăng trưởng ấn tượng  - Ảnh 1.

BTV Khánh Ly và bà Nguyễn Thị Hằng Nga tại Talk show Phố Tài Chính.

Kinh tế sẽ tiếp tục có những tăng trưởng ấn tượng

Nhận định về nền kinh tế hai quý còn lại của năm 2024, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF) cho rằng nền kinh tế sẽ tiếp tục có những tăng trưởng ấn tượng trong 6 tháng cuối năm 2024 cũng như là năm 2025, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Bởi vì khi nhìn vào chỉ số PMI tháng 6 là 54,7 điểm, là mức rất cao trong vòng nhiều tháng vừa qua với đơn hàng tăng mạnh.

Và một điểm rất đặc biệt là nếu nhìn vào FDI giải ngân từ 2021 đến nay, trong vòng ba năm rưỡi qua thì tổng FDI giải ngân đã chiếm tới khoảng 1/3 số FDI giải ngân trong vòng 30 năm trước đó. Giải ngân của 30 năm trước đó thì có thể thấy động lực tăng trưởng từ ngành chế biến, chế tạo vẫn còn rất lớn. Ngoài ra, một động lực tăng trưởng nữa sẽ đến từ ngành du lịch.

Ngoài ra, Chính phủ đã có điều chỉnh lương cơ bản cũng như là lương hưu từ ngày 1/7 và cũng tiếp tục hỗ trợ chính sách thuế khi tiếp tục cắt giảm thuế VAT 2 %, những điều này sẽ hỗ trợ cho tiêu dùng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong cuộc họp gần đây cũng đã đưa ra hai kịch bản, kịch bản tăng trưởng GDP 6,5% và 7%. Với mức tăng trưởng 6,5% thì có thể đạt được, nhưng kịch bản tăng trưởng 7% thì quý III GDP cần tăng 7,4% và quý IV này cần tăng 7,6%.

Bên cạnh đó, sau kết quả của 6 tháng đầu năm,  một số tổ chức cũng đã điều chỉnh dự báo về tăng trưởng của Việt Nam, ví dụ như là HSBC, họ đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng từ 6% lên 6,5%.

Về kinh tế vĩ mô, bà Nguyễn Thị Hằng Nga đánh giá những áp lực về tỷ giá, lạm phát sẽ giảm trong 6 tháng cuối năm 2024. Bởi vì việc giảm lãi suất của Fed chỉ là vấn đề thời gian, Fed vẫn luôn thận trọng, nhưng thận trọng là vì họ không muốn tạo ra kỳ vọng cho nhà đầu tư. Còn thực tế việc giảm lãi suất đang đến rất gần, thì sẽ giảm áp lực lên tỷ giá cũng như lạm phát của Việt Nam. Theo dứ báo, lạm phát sẽ chỉ ở mức khoảng 3,5% trong 6 tháng cuối năm và cho cả năm 2024.

Lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ được cải thiện, giá cổ phiếu khởi khắc

Về thị trường chứng khoán, mặc dù thị trường chứng khoán cũng đã tăng một thời gian nhưng nếu nhìn vào dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp mà được tổng hợp trên Bloomberg thì dự báo năm 2024, lợi nhuận các doanh nghiệp có thể tăng tới 36%. Với mức tăng trưởng như vậy, chỉ số giá trên lợi nhuận cuối năm 2024 có thể điều chỉnh xuống chỉ còn khoảng 11,6 lần và mức 11,6 lần là mức rất hấp dẫn cho thị trường.

Theo bà Nga, ngành ngân hàng là ngành mà chiếm tỷ trọng rất lớn trong chỉ số VN-Index, dự báo trong thời gian tới khi nhu cầu tín dụng tăng lên và những áp lực về nợ xấu giảm đi khi nền kinh tế hồi phục, khi thị trường bất động sản có những dấu hiệu hồi phục thì lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ được cải thiện, giá cổ phiếu khởi khắc… sẽ là động lực lớn cho thị trường.

Nâng hạng thị trường là một mục tiêu của quốc gia, chắc chắn là sẽ phải cố gắng thực hiện được. Hiện, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cùng với  sự tư vấn của Ngân hàng Thế giới thì đã và đang rất nỗ lực để có thể thực hiện được điều đó. Tuy vậy, để chắc chắn nhất có lẽ là tháng 9/2025 thì sẽ được FTSE ra quyết định nâng hạng.

"Khi đó, chúng ta hình dung một cách đơn giản là từ một chợ nhỏ, chợ cóc chẳng hạn thì chúng ta lại trở thành một chợ của thành phố, sẽ có nhiều người muốn buôn bán kinh doanh ở đó hơn, chắc chắn sẽ thu hút được dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài hơn. Song, khi đến giai đoạn sàng lọc và tìm kiếm các cơ hội đầu tư thì hiện tại đang không có quá nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài", bà Nga nêu nhận định.

Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF) cũng mong muốn là Chính phủ sẽ có những giải pháp để thúc đẩy những công ty có chất lượng lên sàn. Ví dụ như Chính phủ có thể cân nhắc thêm một đợt miễn giảm thuế cho những doanh nghiệp niêm yết để tạo ra một làn sóng niêm yết mới ở trên sàn giống như là trước đây Chính phủ đã làm. Còn bản thân các công ty cũng phải nâng hạng doanh nghiệp mình cả về mặt chất lượng quản trị, cả về mặt những đường hướng kinh doanh, minh bạch hơn để nhà đầu tư họ tin tưởng đầu tư lâu dài.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước