Toàn cảnh Blockchain ở Việt Nam: Cần chính sách cởi mở?

T.Bình-Thứ sáu, ngày 09/03/2018 08:59 GMT+7

Hình minh họa

VTV.vn - Theo Hiệp hội Thương mại điện tử, việc hoàn thiện khung pháp lý cần tham khảo ý kiến của cộng đồng kinh doanh trực tuyến và các bên liên quan.

Blockchain là một chuỗi các khối (block) thông tin kéo dài liên tục sử dụng công nghệ mã hóa để liên kết và đảm bảo an toàn, nhờ đó chống lại việc sửa đổi dữ liệu một cách hiệu quả. Mới ra đời từ năm 2008 nhưng blockchain đã cho thấy có khả năng ứng dụng to lớn vào nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội. Lĩnh vực ứng dụng phổ biến nhất là tài chính với các loại tiền số, đặc biệt là bitcoin.

Theo khảo sát của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), tỷ lệ khá cao lãnh đạo các doanh nghiệp và tổ chức hàng đầu thế giới cho rằng tới năm 2025 sẽ có chính phủ thu thuế nhờ blockchain (73%) và 10% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu được lưu trữ nhờ công nghệ này.

Đầu năm 2017 Harvard Business Review đánh giá blockchain là một công nghệ nền tảng (foundational technology) có thể dẫn tới những thay đổi to lớn cho các hệ thống kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, giống như công nghệ TCP/IP và sự phát triển của Internet, phải mất hàng thập kỷ để blockchain được sử dụng phổ biến và tạo ra những thay đổi sâu sắc và toàn diện tới kinh tế xã hội.

Một số tổ chức và doanh nghiệp ở Việt Nam hay do người Việt sáng lập đã hoạt động khá năng động. Những công ty tiên phong trong lĩnh vực này có thể kể tới Infinity Blockchain Labs, Tomochain Pte. Ltd, Kyber Network. Trong tháng 3 năm 2018 sự kiện Tuần Blockchain Việt Nam đã nhận được sự quan tâm cao của cộng đồng blockchain toàn cầu.

Một tín hiệu tích cực là ngày 21/8/2017 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1255/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Một trong các mục tiêu của Đề án là các đề xuất chính sách và pháp luật không được ảnh hưởng đến sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo, đảm bảo tính linh hoạt để phù hợp với sự thay đổi trong sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, thương mại điện tử. Theo Hiệp hội Thương mại điện tử, việc hoàn thiện khung pháp lý cần tham khảo ý kiến của cộng đồng kinh doanh trực tuyến và các bên liên quan.

Harvard Business Review đã đề xuất một trong các bước đầu tiên để các tổ chức và doanh nghiệp đầu tư vào blockchain là sử dụng bitcoin như một kênh thanh toán bổ sung, qua đó bắt buộc mọi phòng ban như công nghệ thông tin, tài chính, kế toán, bán hàng, tiếp thị… phải học hỏi và xây dựng năng lực tiếp cận công nghệ mới.

Trong những thay đổi của xu hướng công nghệ diễn ra từng ngày, Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2018 của Hiệp hội này đề xuất: "Việt Nam cần nhanh chóng thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng những lợi ích của công nghệ blockchain, đồng thời không nên quản lý tiền số một cách đơn giản là cấm, sau đó xử lý các hành vi vi phạm."

"Trong quá trình chờ các văn bản pháp luật mới theo kế hoạch của Đề án trên, nên quản lý tiền số bằng các biện pháp phù hợp với kinh tế thị trường. Chẳng hạn coi tiền số là một loại tài sản "ảo" phù hợp với quy định về tài sản trong Bộ luật dân sự và quản lý chặt chẽ đối với mọi hoạt động đầu tư, kinh doanh, mua bán tiền số. Đặc biệt là quản lý bằng công cụ thuế", ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam nhấn mạnh.

Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử sẽ được công bố tại Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử diễn ra tại Hà Nội ngày 14/3/2018 và TP. Hồ Chí Minh ngày 16/3/2018. Các chủ đề nóng khác như quản lý thuế đối với thương mại điện tử, xuất khẩu trực tuyến hay kinh tế chia sẻ cũng sẽ được thảo luận.


TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước