Ngày nay, chip có mặt trong mọi thứ, từ chiếc bàn chải đánh răng cho đến máy giặt, đồng hồ báo thức. Tuy nhiên, tình trạng thiếu chip vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt khiến người ta gọi đó là cuộc khủng hoảng chip.
Tình trạng thiếu chip trên toàn cầu có thể kéo dài đến năm 2023 (Ảnh: Getty).
Ông Glenn O'Donnell, Phó giám đốc nghiên cứu của công ty cố vấn Forrester, cho rằng tình trạng thiếu hụt chip có thể kéo dài đến năm 2023.
"Do nhu cầu vẫn cao mà nguồn cung vẫn bị hạn chế nên chúng tôi dự đoán sự thiếu hụt này sẽ kéo dài đến năm 2022 và đến năm 2023," ông viết trên một blog.
Ông O'Donnell dự kiến nhu cầu về PC, chứa một số chip tiên tiến nhất, sẽ "giảm nhẹ" một chút trong năm tới nhưng "không nhiều".
Trong khi đó, ông hy vọng các trung tâm dữ liệu, nơi chứa đầy các máy chủ, sẽ mua thêm chip trong năm tới sau những gì ông mô tả là "năm 2020 ảm đạm".
Nói với CNBC tuần trước, ông Patrick Armstrong, Giám đốc điều hành của Plurimi Investment Managers, cho rằng, tình trạng thiếu chip sẽ kéo dài 18 tháng. "Nó không chỉ là ô tô, điện thoại, nó là Internet của mọi thứ. Ngày nay có nhiều hàng hóa sử dụng chip nhiều hơn so với trước đây. Tất cả đều được thiết kế để kết nối Internet", ông nói.
Ngành công nghiệp xe hơi bị ảnh hưởng bởi sự thiếu hụt chip trên toàn cầu nhiều hơn so với bất kỳ lĩnh vực nào khác.
Đầu tháng này, hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới TSMC (một công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan) cho biết, họ sẽ bắt kịp nhu cầu của các hãng sản xuất xe hơi vào tháng 6. Tuy nhiên, ông Amstrong cho rằng, điều đó là "quá tham vọng".
"Nếu bạn lắng nghe Ford, BMW, Volkswagen, họ đều nhấn mạnh có điểm nghẽn về công suất và họ không thể có được chip cần thiết để sản xuất xe mới", ông nói.
Trong một diễn biến khác, công ty tư vấn và nghiên cứu toàn cầu Gartner cho biết, sự thiếu hụt này sẽ kéo dài trong suốt năm 2021 và ảnh hưởng đến tất cả các loại chip, khiến giá chip tăng lên.
Hôm 13/5, ông Alan Priestley - nhà phân tích của Gartner cho biết, tình hình có thể cải thiện trong một số lĩnh vực trong 6 tháng tới, nhưng có thể có "hiệu ứng phụ" trong năm 2022.
Theo ông, tình trạng thiếu hụt sẽ không kéo dài lâu bởi ngành công nghiệp này đang tăng cường công suất, nhưng nó cần thời gian để bù đắp cho sự thiếu hụt này. "Sẽ mất khoảng 2-3 năm trước khi chúng ta thấy được điều đó", ông Priestley nói.
Nói với CNBC vào tuần trước, ông Reinhard cũng cho rằng, "rõ ràng sẽ mất thời gian" cho đến khi cung và cầu được cân bằng.
"Tôi nghĩ hai năm là quá dài nhưng chắc chắn là nó sẽ kéo dài tới năm 2022. Tôi hy vọng tình hình sẽ được cân bằng hơn trong năm tiếp theo", ông nói.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!