Tin vui cho "đầu tàu" kinh tế TP Hồ Chí Minh

Thuỳ An-Thứ ba, ngày 30/05/2023 20:39 GMT+7

TP Hồ Chí Minh (Ảnh: Reuters)

VTV.vn - Tổng cục Thống kê, dự báo tăng trưởng quý II/2023 của TP Hồ Chí Minh sẽ ước đạt được 5,87%, so với 0,7% trong quý I.

Chiều 30/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận tổ về Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi). Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.

Phát biểu thảo luận tại tổ, trước khi phát biểu vào nội dung cụ thể, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã thông báo tin vui tới các đại biểu Quốc hội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Mãi cho biết, theo thông tin mới nhất của Tổng cục Thống kê, dự báo tăng trưởng quý II của Thành phố đạt được 5,87%. Như vậy, nếu cộng cả hai quý thì thành phố tăng trưởng 3,55%.

Theo đó, quý II khu vực công nghiệp xây dựng tăng 4,77%, tính chung tăng trưởng 6 tháng là 0,8% (quý 1 tăng trưởng âm); khu vực dịch vụ quý 2 tăng 7,16%, tính 6 tháng là 4,96%.

Đánh giá kinh tế - xã hội tháng 5 cho thấy, các lĩnh vực hàng hóa, bán buôn, bán lẻ, du lịch... đang tăng trưởng tốt. Với 3 tháng hè, khi kích cầu du lịch và thực hiện nhiều biện pháp thì sẽ có kết quả tốt.

"Sự tăng trưởng này có lỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân thành phố" - ông Mãi nói.

Tin vui cho đầu tàu kinh tế TP Hồ Chí Minh - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi

Trước đó, trong quý I/2023, Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP của TP Hồ Chí Minh ước đạt 360.622,1 tỷ đồng (theo giá hiện hành), tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, tăng trưởng của TP Hồ Chí Minh thấp nhất, cũng như thấp hơn mức trung bình chung của cả nước, xếp hạng 56/63 địa phương.

Liên quan đến nội dung họp tổ chiều nay, về dự thảo cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, hệ thống những cơ chế, chính sách này giúp thành phố tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Qua đó phát huy được những tiềm năng, thế mạnh của thành phố, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, trong hội nhập và cạnh tranh quốc tế.

Theo ông Mãi, với những nhóm chính sách này nếu được thực hiện thành công, mang lại kết quả sẽ giúp chúng ta một bài học, kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình xây dựng và thực hiện pháp luật. Những nội dung này thậm chí cũng là một tham khảo rất tốt khi Hà Nội đang sửa Luật Thủ đô.

"Nếu chúng ta làm tốt, trong 5 năm tới Thành phố sẽ huy động được hàng trăm nghìn tỉ đồng cho đầu tư phát triển. Đây là nội dung được nhiều đại biểu, chuyên gia nhìn thấy và ủng hộ rất mạnh mẽ", ông Mãi nói và cho hay, cơ chế chính sách về phát triển khoa học và đổi mới sáng tạo là một tiềm lực rất to lớn. Ban đầu có thể chưa đo đếm được kết quả này nhưng nếu làm tốt, nó sẽ trở thành động lực mới của phát triển thành phố và của đất nước.

Nên tạo cơ chế cho người tín nhiệm thấp chủ động từ chức

Về nội dung lấy phiếu tín nhiệm, ông Mãi thống nhất với phương án không lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch quận - nơi không có tổ chức Hội đồng nhân dân. Thứ hai là không lấy phiếu tín nhiệm với những người đang nghỉ trị bệnh hiểm nghèo, người nghỉ điều hành công việc trong thời gian dài.

Cũng tại tổ, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng đồng tình bổ sung quy định không lấy phiếu tín nhiệm với người chữa bệnh hiểm nghèo, không tham gia công tác 6 tháng trở lên, vì thực tiễn có những trường hợp này và nếu Quốc hội và HĐND lấy phiếu tín nhiệm thì không phù hợp.

Tin vui cho đầu tàu kinh tế TP Hồ Chí Minh - Ảnh 3.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị cần bổ sung cơ chế cho người có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trở lên đánh giá "tín nhiệm thấp" chủ động xin từ chức, nếu không từ chức thì mới trình Quốc hội và HĐND xem xét miễn nhiệm (Ảnh minh hoạ)

Liên quan hệ quả với người được lấy phiếu tín nhiệm, bà đồng tình với ý kiến trong cơ quan thẩm tra rằng, cần bổ sung cơ chế cho người có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trở lên đánh giá "tín nhiệm thấp" chủ động xin từ chức, nếu không từ chức thì mới trình Quốc hội và HĐND xem xét miễn nhiệm.

"Đề nghị Quốc hội nghiên cứu thêm trường hợp này. Cán bộ được đánh giá có phiếu "tín nhiệm thấp" nhiều thì cần có cơ chế, tạo cơ hội để họ chủ động nộp đơn xin từ chức là phù hợp trong điều kiện hiện nay, thay vì trình miễn nhiệm luôn" - bà Tuyết đề xuất.

Theo báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật, có ý kiến cho rằng trường hợp có từ 2/3 tổng số đại biểu trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì vẫn nên có cơ chế cho họ có thể chủ động xin từ chức. Trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn mới trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân xem xét miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với người đó.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước