Các cửa hàng tại Trung Quốc vẫn vắng khách.
Tại tỉnh Hồ Bắc, nhiều cửa hàng, nhà hàng đã mở cửa lại sau thời gian dài phải tạm đóng cửa vì dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh này lại đang phải đối mặt với một khó khăn mới không có khách.
Ông Tang Jibin - chủ quán ăn - cho hay: "Không có đủ khách để lấp đầy các bàn ăn. Chúng tôi không thể làm gì cả. Đây không phải trường hợp duy nhất, việc kinh doanh ở nhiều nơi đều vậy. Nếu không có khách, chúng tôi sẽ lại phải đóng cửa".
Ngay cả các quầy hàng thực phẩm cũng tiêu thụ khá chậm. "Trước đây, mỗi ngày tôi có thể bán được một con bò, giờ chỉ bán được 25kg mỗi ngày", ông Xiao - chủ cửa hàng thịt bò cho biết.
Những lo ngại về dịch bệnh đang khiến người dân Trung Quốc tỏ ra do dự trong việc tăng cường chi tiêu. Bên cạnh đó, áp lực về tài chính cũng đang là một rào cản lớn. Theo CNBC, 5 triệu người Trung Quốc đã mất việc chỉ trong 2 tháng đầu năm và con số này còn có thể tăng lên bởi nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn rất khó khăn.
Bà Dan Wang - chuyên gia phân tích Tổ chức Economist Intelligence Unit - nói: "Gói kích thích kinh tế từ các chính quyền địa phương là không đủ. Tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng thêm 5 điểm % từ mức 6,2% trong tháng 2".
Trong khi nỗ lực từ các chính quyền địa phương vẫn chỉ mang lại kết quả hạn chế, nhiều chuyên gia kêu gọi Chính phủ Trung Quốc cần có những giải pháp mang tính trực tiếp hơn để thúc đẩy tiêu dùng.
"Chúng tôi tin rằng cách trực tiếp nhất để kích thích tiềm năng tiêu dùng là trợ cấp cho các nhóm thu nhập thấp thông qua cắt giảm thuế và trợ cấp. Chính phủ cũng có thể cấp 1.000 Nhân dân tệ cho mỗi người dân lao động ở vùng tâm dịch Hồ Bắc", ông Liu Qiao - Hiệu trưởng Trường Quản lý Quang Hoa, Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc nói.
Thậm chí, Bloomberg còn lo ngại những khó khăn kinh tế có thể dẫn tới một làn sóng vỡ nợ tín dụng tiêu dùng tại Trung Quốc - nơi núi nợ hộ gia đình đã đạt mức kỷ lục 55.000 tỷ Nhân dân tệ trong năm ngoái. Hiện tỷ lệ vỡ nợ của người tiêu dùng tại một số ngân hàng đã tăng lên mức 4% so với chỉ 1% trước khi dịch bệnh diễn ra. Thực tế này sẽ tạo ra nhiều sức ép, cản trở mọi nỗ lực khôi phục chi tiêu tiêu dùng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!