Tiếp tục hoàn thiện cơ chế xác định giá đất

Ngọc Thành-Thứ năm, ngày 11/05/2023 20:31 GMT+7

VTV.vn - Thường vụ Quốc hội đề nghị công khai báo cáo tổng hợp ý kiến vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đồng thời cho ý kiến với một số vấn đề, trong đó có cơ chế định giá đất.

Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hôm nay (11/5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục họp phiên 23 cho ý kiến vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và một số nội dung quan trọng khác.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, hồ sơ dự án Luật đất đai (sửa đổi) được chuẩn bị công phu và sau nhiều lần điều chỉnh, chất lượng được nâng lên rõ rệt, đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế xác định giá đất - Ảnh 1.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại phiên họp thứ 23 - Ảnh: VGP/ĐH

Tính đến nay, đã có trên 12 triệu lượt ý kiến góp ý đối với dự thảo luật, trong đó những vấn đề như bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhận trên 1,2 triệu lượt ý kiến. Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhận trên 1 triệu lượt ý kiến. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhận trên 1 triệu lượt ý kiến. Thường vụ Quốc hội đề nghị cần công khai báo cáo tổng hợp ý kiến để cử tri, nhân dân được biết, đồng thời cho ý kiến đối với một số vấn đề cụ thể, trong đó có cơ chế định giá đất.

Sửa nghị quyết về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm

Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Dự thảo đề xuất người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá "tín nhiệm thấp" thì xin từ chức. Trong thời gian không quá 10 ngày kể từ khi công bố kết quả mà không từ chức thì Quốc hội, Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Thường vụ Quốc hội cho rằng quy định về thời hạn 10 ngày là thiếu khả thi và căn cứ pháp lý, đồng thời đề nghị nghiên cứu làm rõ tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, cũng như thiết kế thêm quy định các hành vi bị cấm như làm sai lệch mức độ tín nhiệm hoặc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để làm giảm uy tín của người khác.

Cho ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các nhiệm vụ, giải pháp năm 2023 như Chính phủ nêu, đề nghị bổ sung giải pháp đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu, chỉ định thầu, mua sắm, quản lý đầu tư công, đất đai; khắc phục tình trạng phân bổ dự toán chậm, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp.

Áp dụng bảng giá đất mới từ năm 2026 Áp dụng bảng giá đất mới từ năm 2026

VTV.vn - Theo đề xuất của Chính phủ, thời gian từ thời điểm Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực đến hết năm 2025 sẽ giúp các địa phương chuẩn bị để ban hành bảng giá đất mới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước