Tiền điện tử - Hàng hóa hay tiền tệ?

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ sáu, ngày 01/09/2017 06:15 GMT+7

VTV.vn - Để quản lý tiền điện tử, trước tiên nên xác định đây là tiền, là hàng hóa hay loại tài sản nào khác, từ đó có biện pháp quản lý phù hợp.

Hiện có 803 loại tiền điện tử khác nhau đang được cộng đồng mạng công nhận và giao dịch... Con số này lớn gấp 4,5 lần các loại tiền tệ truyền thống hiện lưu hành trên toàn cầu.

So với lịch sử hàng nghìn năm của tiền giấy, tiền điện tử mới chỉ xuất hiện cách đây chưa đến mười năm và đang có sự phát triển hết sức mạnh mẽ.

Các loại tiền này bắt đầu được nhiều nền kinh tế trên thế giới công nhận và dần được sử dụng trong hoạt động thanh toán.

Đã đến lúc vấn đề ứng xử và quản lý các loại tiền ảo này được đặt ra tại Việt Nam. Không chỉ về quan hệ sở hữu, giao dịch... mà cả vấn đề liên quan như thiết bị đào tiền ảo.

100 kiện hàng gồm toàn các thiết bị đào tiền điện tử đang bị ách lại tại kho của Hải quan TP.HCM suốt nửa tháng nay. Dù không nằm trong danh mục hàng cấm xuất nhập khẩu, nhưng phải có giấy phép của cơ quan quản lý chuyên ngành.

Một lô thiết bị đầu tiên nhập về Việt Nam được khai báo là máy đào tiền điện tử, trong khi trên thị trường, những cỗ máy được ví von như những con trâu "cày" tiền điện tử này được bán từ cách đây 5 - 7 năm. Với số lượng, theo giới đào tiền ảo, có thể lên tới cả triệu. Chúng đều là những thiết bị chuyên dụng.

Tuy nhiên, đến khi có một doanh nghiệp khai báo đúng tên hàng hóa là các thiết bị đào tiền điện tử, lực lượng hải quan mới phát hiện ra sự thiếu vắng quy định đối với hàng hóa này, dù trên thị trường, chúng đã được mua đi bán lại nhiều năm nay.

Khoảng trống pháp lý này sẽ được lấp lại bằng một quyết định rất kịp thời của Chính phủ, đó là giao các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo trong vòng 2 năm tới. Thế nhưng, nên quản lý tiền điện tử theo hướng nào, hiện vẫn là vấn đề gây nhiều ý kiến trái chiều.

Hệ thống mua bán Bitcoin hiếm hoi công khai tại Việt Nam vừa cán mốc hơn 30.000 tài khoản đăng ký. Tốc độ tăng trưởng theo quý hiện ghi nhận từ 200 - 300%. Song, đại diện sàn giao dịch này thừa nhận con số này chỉ là bề nổi, còn các hoạt động giao dịch, mua bán Bitcoin ngầm sôi động hơn hàng chục, thậm chí hàng trăm lần.

Giao dịch tiền điện tử ngầm có thể tiềm ẩn sự gia tăng các giao dịch phi pháp như rửa tiền, các hình thức lừa đảo đa cấp... nếu cơ quan Nhà nước không có công cụ để quản lý. Thế nhưng, để quản lý tiền điện tử, trước tiên nên xác định đây là tiền hay hàng hóa hay loại tài sản nào khác, để từ đó có biện pháp quản lý phù hợp.

Hiện, số đông chuyên gia trong nước đang nghiêng về phương án tiền điện tử nên được coi là hàng hóa. Nếu coi tiền điện tử như một loại hàng hóa, thì cũng cần xây dựng các chế tài cho phép người dân mua bán thông qua các sàn giao dịch.

Tuy nhiên về lâu dài, một số chuyên gia cũng không loại trừ khả năng tiền điện tử có thể được công nhận là tiền tệ. Sự công nhận này sẽ làm thay đổi hoàn toàn cách thức giao dịch truyền thống.

Thanh toán điện tử hè phố - Minh chứng sinh động cho xã hội ít dùng tiền mặt Thanh toán điện tử hè phố - Minh chứng sinh động cho xã hội ít dùng tiền mặt

VTV.vn - Thanh toán điện tử hè phố là một minh chứng sinh động cho xã hội ngày càng ít dùng tiền mặt ở Trung Quốc.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước