Tiềm năng kinh tế của ChatGPT

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 04/02/2023 13:50 GMT+7

VTV.vn - ChatGPT đang là từ khóa công nghệ được tìm kiếm và quan tâm nhiều nhất hiện nay. Sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo này như thế nào để mang lại lợi ích kinh tế?

Trong những ngày đầu năm, nhiều người đang nói đến chuyện công ăn việc làm của họ có thể bị cạnh tranh khi có sự xuất hiện của một "nhân vật" có tên ChatGPT.

Tuần qua, nhiều bài báo phân tích xung quanh nhận định: nhiều công việc liên quan đến công nghệ, lập trình, marketing, quảng cáo… có thể bị thay thế bởi chương trình trí tuệ nhân tạo ChatGPT.

ChatGPT có thể làm thơ, viết văn, tổng hợp tin tức. Đây sẽ là một thế lực đáng gờm mới cạnh tranh với cả nghề biên tập viên truyền hình hay phóng viên.

Do ChatGPT chưa hỗ trợ đăng ký từ Việt Nam, nên để sử dụng, người dùng cần đến một số dịch vụ như VPN để thay đổi địa chỉ IP sang nước ngoài, cần số điện thoại quốc tế để kích hoạt và thẻ ngân hàng thanh toán quốc tế. Tuy nhiên ngay lập tức, dịch vụ mở tài khoản dùng thử cho những người tò mò tại Việt Nam đã ra đời. Dịch vụ này có giá từ 20.000 - 100.000 đồng và người dùng sẽ nhận về tài khoản gồm email mới và mật khẩu đăng nhập trong 3 tháng.

Cộng đồng mạng đang nói gì về ChatGPT?

Tiềm năng kinh tế của ChatGPT - Ảnh 1.

Nghiên cứu của Ngân hàng UBS ước tính ChatGPT đã vượt mốc 100 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng trong tháng 1/2023. (Ảnh: Getty)

Với vài thao tác kỹ thuật, người dùng tại Việt Nam vẫn phần nào trải nghiệm được ứng dụng ChatGPT.

Phóng viên đã thử hỏi ChatGPT về câu hỏi "nóng" nhất hiện nay: "T" này, bồ có thể khiến những ngành nghề nào mất việc?

ChatGPT: ChatGPT có thể ảnh hưởng đến các công việc về tạo ra nội dung tự động, chuyển đổi ngôn ngữ, trả lời câu hỏi. Tuy nhiên không thể thay thế hoàn toàn con người, vì vậy tác động sẽ không lớn.

Phóng viên: Người dùng tại Việt Nam đang khen hay chê ChatGPT nhiều hơn?

ChatGPT: Không có thống kê chính thức. Tuy nhiên việc sử dụng các mô hình ngôn ngữ để giải quyết vấn đề và trả lời câu hỏi là xu hướng phát triển mạnh mẽ và được người dùng ưa chuộng.

"Ưa chuộng" hay không chưa thể kết luận, nhưng "xu hướng" là từ để diễn tả về cách người dùng Internet tại Việt Nam đón nhận ChatGPT. Các từ khóa liên quan liên tục xuất hiện trong danh sách xu hướng của Google, Facebook với hàng trăm nghìn lượt tìm kiếm và thảo luận tại Việt Nam.

"Đây mới chỉ là bắt đầu. Con người bắt đầu sống với công cụ AI. Tương lai gần sẽ sống với người máy, với não AI và giống như người", một tài khoản mạng bình luận.

"Cho dù đó là một bộ dữ liệu cực lớn đi nữa thì ít ra cho đến lúc này, ChatGPT gặp các vấn đề quá mới, quá cụ thể hoặc quá ít người biết đến thì bó tay", một tài khoản khác viết.

"Bạn chỉ cần lo khi thấy mình phụ thuộc vào máy móc, còn nếu bạn sử dụng máy móc làm công cụ, thì bạn sẽ càng làm chủ cuộc chơi!", một tài khoản khác nêu ý kiến.

Ở chiều ngược lại, người dùng cũng có nhiều cách để hưởng lợi từ cơn sốt chatGPT tại Việt Nam, như mở các dịch vụ tạo tài khoản trong lúc OpenAI chưa chính thức hỗ trợ dịch vụ tại nước ta. Còn các doanh nghiệp tạo ra các nội dung quảng cáo bắt trend, "mớm lời" cho chatGPT để thu hút khách hàng. Kể cả những cách thức có dấu hiệu lừa đảo, người dùng cần cẩn trọng.

"Ai tìm thấy giá trị cho của họ thì vẫn sẽ vui vẻ trả tiền cho ChatGPT, giống như đóng phí 4G hay Netflix hàng tháng", tài khoản Duy Linh Trần nói.

"Không ít người tò mò đã cài nhầm phần mềm giả mạo, bị yêu cầu trả phí nếu muốn sử dụng dù chưa biết tác dụng thế nào", tài khoản Đức Cường cho biết.

Có thể còn sớm để đánh giá những hiệu quả, lợi ích ChatGPT mang lại, nhưng sự ra đời của ứng dụng trí tuệ nhân tạo này chắc chắn đã khơi gợi chúng ta suy nghĩ về giá trị của bản thân.

Trong buổi tổng kết đầu năm của TP Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã bất ngờ dẫn chứng ChatGPT như một thách thức lớn với công chức, người lao động; đồng thời cũng là cơ hội để mỗi người khẳng định vị trí của mình trong công việc, cuộc sống, đừng để bản thân không làm được những thứ trí tuệ nhân tạo có thể làm.

Mức tăng trưởng kỷ lục và tiềm năng của ChatGPT

Dù chỉ mới ra mắt chưa lâu, ChatGPT đã thực sự tạo ra một cơn sốt và dù vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh một số hạn chế của chương trình như nguy cơ thông tin sai lệch và gian lận về học vấn, nhưng tiềm năng to lớn của những công cụ trí tuệ nhân tạo như ChatGPT là điều không thể phủ nhận.

Chỉ sau 2 tháng ra mắt, ChatGPT đã cán mốc 100 triệu người dùng và trở thành ứng dụng có tốc độ phát triển nhanh nhất trong lịch sử.

Trước đó, nền tảng chia sẻ video ngắn TikTok phải cần tới 9 tháng sau khi phát hành toàn cầu để đạt 100 triệu người dùng, trong khi Instagram cần tới 2 năm rưỡi.

Theo chuyên gia của UBS, tiềm năng của ChatGPT là rất lớn, bởi các nhà đầu tư mạo hiểm đã dự báo thị trường dành cho những công cụ công cụ trí tuệ nhân tạo như vậy có thể đạt quy mô lên tới 1.000 tỷ USD.

Xu hướng đầu tư vào trí tuệ nhân tạo tại Mỹ

Với tiềm năng to lớn như vậy, Microsoft đã sẵn sàng mạnh tay đầu tư vào ChatGPT. Ngay từ năm 2019, tập đoàn công nghệ khổng lồ của Mỹ đã rót cả tỷ USD vào OpenAI - công ty phát minh ra ChatGPT, và mới nhất là khoản đầu tư 10 tỷ USD.

Trí tuệ nhân tạo là công nghệ vô cùng quan trọng trong kỷ nguyên số. Do vậy những bước đi này sẽ mang lại nhiều lợi thế cho Microsoft.

Trước sự nổi lên của ChatGPT, các đối thủ lớn của Microsoft như Google cũng đã có những động thái đẩy nhanh các dự án của mình.

Thực tế, OpenAI với ChatGPT chỉ là một trong số rất nhiều các công ty và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã, đang và chuẩn bị được đưa vào triển khai trên nhiều các lĩnh vực khác nhau của đời sống. Vì vậy, OpenAI được đầu tư bởi Microsoft cũng đang phải đối mặt với nhiều đối thủ, trong đó đối thủ nặng ký nhất phải kể đến Google.

Tiềm năng kinh tế của ChatGPT - Ảnh 2.

ChatGPT - siêu chatbot đang làm mưa làm gió giới công nghệ thời gian gần đây. (Ảnh: Indian Express)

Mới đây nhất, Google đã được phê chuẩn kế hoạch đầu tư để chuẩn bị tung ra hơn 20 sản phẩm AI mới, trong đó có việc đưa tính năng chatbot vào phiên bản Google mới.

Còn theo Báo cáo Chỉ số Trí tuệ nhân tạo năm 2022 của Đại học Stanford, tổng số tiền đầu tư của lĩnh vực tư nhân tại Mỹ vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo trong giai đoạn từ năm 2013 - 2021 là 149 tỷ USD, đứng đầu thế giới và gấp gần 2,5 lần quốc gia đứng thứ hai là Trung Quốc.

Đặc biệt, chỉ riêng trong năm 2021, các công ty nghiên cứu và phát triển AI tại Mỹ đã nhận được khoản vốn đầu tư trị giá khoảng 52,88 tỷ USD.

Những số liệu này đã phần nào cho thấy quy mô và xu hướng đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo tại Mỹ. Xu hướng này hứa hẹn sẽ còn gia tăng mạnh mẽ hơn nữa khi các nhà đầu tư ngày càng quan tâm hơn đến các công nghệ trí tuệ nhân tạo, coi đây là mỏ vàng mới, xứng đáng để đầu tư.

Baidu chuẩn bị ra mắt ChatGPT phiên bản Trung Quốc

Có thể thấy cuộc đọ sức công nghệ trong lĩnh vực AI vẫn đang là sân chơi quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc. Mới nhất, các công ty tư nhân Trung Quốc cũng đang tích cực tham gia vào cuộc chạy đua với ChatGPT.

Công ty công nghệ hàng đầu nước này Baidu được cho là đang lên kế hoạch triển khai một công cụ tương tự như ChatGPT vào tháng 3 tới. Công cụ này có nền tảng là mô hình lớn của Baidu Ernie và sẽ được tích hợp vào dịch vụ tìm kiếm chính của hãng, cho phép người dùng có được kết quả tìm kiếm theo kiểu hội thoại giống ChatGPT.

Với hàng tỷ USD đã chỉ ra, mô hình lớn Ernie của Baidu qua nhiều năm đã được thu thập, đào tạo, thử nghiệm về dữ liệu lớn đủ sức cho ra đời một công cụ như ChatGPT.

Cổ phiếu của Baidu đã bật tăng 5,8% ngay sau thông tin này, trong khi cổ phiếu của nhiều công ty trí tuệ nhân tạo tại Trung Quốc cũng ghi nhận mức tăng mạnh từ 40 - 60% trong vòng 1 tháng qua nhờ kỳ vọng của các nhà đầu tư.

Công cụ AI hỗ trợ hay cạnh tranh với người lao động

Có thể thấy tiềm năng to lớn của những công cụ trí tuệ nhân tạo như ChatGPT đang khiến cuộc cạnh tranh giữa các hãng công nghệ trở nên nóng hơn. Tuy nhiên cơn sốt ChatGPT đã làm dấy lên mối lo ngại diễn ra một cuộc cạnh tranh giữa công nghệ và con người. Liệu ChatGPT có phải mối đe dọa tới việc làm của con người?

Được biết, Microsoft đã sa thải 10.000 lao động, ngay sau khi công bố khoản đầu tư 10 tỷ USD vào ChatGPT.

Không chỉ Microsoft, nhiều công ty công nghệ và truyền thông tại Mỹ đã và đang tiến hành những đợt cắt giảm nhân sự quy mô lớn.

BuzzFeed thậm chí đã thừa nhận rằng, sa thải nhân viên là vì khó khăn, nhưng cũng vì có trí tuệ nhân tạo. Công ty này thẳng thừng tuyên bố sẽ sử dụng ChatGPT để vận hành một số nội dung trên trang của mình và làm thay công việc của 180 nhân viên mới phải nghỉ việc.

Dù vậy theo nhiều chuyên, làn sóng cắt giảm việc làm tại Mỹ hiện nay, chủ yếu bắt nguồn từ khó khăn kinh tế hơn là do các công nghệ. Còn với các công cụ AI, đúng là chúng có thể thay thế con người ở một số vị trí công việc, nhưng đây không hẳn là một mối đe dọa.

Ngay sau cơn sốt ChatGPT, kênh CBS đã lên danh sách một loạt những công việc có thể sẽ sớm được thay thế bởi AI trong thời gian tới, bao gồm nhân viên tư vấn khách hàng, người phân tích số liệu, thư ký soạn thảo giấy tờ hành chính, hay lập trình viên cấp thấp. Một số chuyên gia dự đoán, khoảng 20% các vị trí việc làm hiện nay hoàn toàn có thể được AI đảm nhiệm.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, với trình độ của các công cụ AI hiện tại, tác dụng trước tiên của nó sẽ là giúp giảm tải các công việc mang tính thủ tục giấy tờ tiêu tốn nhiều thời gian.

"Ví dụ như các bác sĩ trong bệnh viện, họ mất từ 40 - 60% quỹ thời gian cho việc giấy tờ sổ sách. Nếu có thể giao đầu việc này cho chatbot AI thì họ sẽ có nhiều thời gian dành cho bệnh nhân hơn", ông Aljoscha Burchardt, Trung tâm nghiên cứu AI Đức, cho biết.

Nhiều chuyên gia cũng tin rằng, các lao động có chuyên môn cao, đặc biệt trong những lĩnh vực mang tính sáng tạo và đòi hỏi tư duy phức tạp sẽ không sớm bị ảnh hưởng bởi làn sóng AI. Ngược lại, họ thậm chí có thể sử dụng AI như một công cụ để củng cố các kỹ năng của bản thân.

"Quan điểm cởi mở thì cho rằng, bây giờ có một công cụ mạnh như thế thì sao mình không tận dụng nó để cho công việc của mình nhàn hơn, nhanh hơn và tiết kiệm hơn", Tiến sĩ Trần Việt Hùng, nhà sáng lập công ty công nghệ Got It, nói.

Ngay cả khi những AI như ChatGPT cho thấy tiềm năng rất lớn ở nhiều công việc khác nhau, con người vẫn được xem là có lợi thế hơn ở một số lĩnh vực, chẳng hạn như báo chí truyền thông.

"Các ứng dụng có thể đảm nhận những công việc như tổng hợp nội dung hay biên tập văn bản. Nhưng tôi không cho rằng các phóng viên sẽ trở nên lỗi thời, bởi chúng ta luôn cần đến khả năng kiểm chứng các thông tin sự kiện, cũng như đưa ra các ý tưởng nguyên bản", bà Nicole Buttner, nhà sáng lập Công ty Merantix Labs, đánh giá.

Nói vậy không có nghĩa là làn sóng ứng dụng AI nên bị xem nhẹ. Tuy nhiên theo các chuyên gia, con người có đủ thời gian để thích ứng và quan trọng hơn để quyết định xem mình sẵn sàng chuyển cho AI những công việc gì.

Khi được hỏi các công cụ như ChatGPT có thể thay thế được người lao động hay không, ChatGPT cho biết: "ChatGPT và các công cụ tương tự chủ yếu được sử dụng để hỗ trợ người dùng trong việc tìm kiếm thông tin, trả lời câu hỏi và hoàn thành các tác vụ cơ bản. Tuy nhiên, chúng không thể thay thế hoàn toàn người lao động, đặc biệt là trong các công việc yêu cầu tư duy, quyết định và giải quyết vấn đề phức tạp. Chúng ta vẫn cần người lao động để hoàn thành các công việc yêu cầu sự trực tiếp và tư duy".

Thực tế, dù ChatGPT có thể đưa ra các nội dung, nhưng nó không có tính sáng tạo, không thể tự sinh ra những nội dung mà nó chưa từng học. Thế giới luôn cần những ý tưởng sáng tạo mới. Thông tin của ChatGPT cũng không cho biết nguồn chính xác nên vẫn cần có người kiểm chứng. Do vậy, có thể coi ChatGPT hay các công cụ tương tự là một giải pháp giúp con người làm việc hiệu quả hơn, miễn là chúng được sử dụng hợp lý và hạn chế được các mặt trái.

ChatGPT giải mã chiến lược đầu tư của tỷ phú Warren Buffett ChatGPT giải mã chiến lược đầu tư của tỷ phú Warren Buffett

VTV.vn - ChatGPT khiến nhiều người ngỡ ngàng khi giải mã được chiến lược đầu tư của tỷ phú Warren Buffett.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước