Thương vụ mua bán và sáp nhập tại Nhật Bản dự kiến đạt kỷ lục

Minh Phương (PV Đài THVN thường trú tại Nhật Bản)-Chủ nhật, ngày 26/09/2021 10:44 GMT+7

VTV.vn - Xu hướng mua bán và sáp nhập đã phát triển mạnh trong những năm trở lại đây. Dự báo năm 2021, số vụ mua bán và sáp nhập sẽ tiếp tục tăng tại Nhật Bản.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 làm thay đổi môi trường kinh doanh, hoạt động mua bán và sát nhập (M&A) của các doanh nghiệp Nhật Bản có thể tăng trưởng đạt mức kỷ lục trong năm 2021. Mua bán và sát nhập không chỉ là nhằm mở rộng cơ hội đầu tư, mà còn nhằm đa dạng hóa hoạt động, thích ứng với môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Báo Mainichi cho biết, số lượng các thương vụ mua bán và sáp nhập liên quan đến các công ty Nhật Bản trong năm 2021 dự kiến sẽ đạt mức cao kỷ lục. Từ tháng 1 đến tháng 8/2021, số vụ mua bán và sáp nhập là 2.794 vụ, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước và dự kiến có thể vượt kỷ lục năm 2019. Trong đó, thương vụ có giá trị lớn nhất là thương vụ tập đoàn Hitachi mua lại Global Logic, một công ty công nghệ thông tin lớn của Mỹ hồi tháng 3, với tổng giá trị 9,6 tỷ USD.

Đối với các doanh nghiệp trong nước ở Nhật Bản, xu hướng mua bán và sáp nhập để tái cơ cấu hoạt động cũng đang được thúc đẩy mạnh mẽ.

Thương vụ mua bán và sáp nhập tại Nhật Bản dự kiến đạt kỷ lục - Ảnh 1.

Hoạt động mua bán và sát nhập của các doanh nghiệp Nhật Bản có thể tăng trưởng đạt mức kỷ lục trong năm 2021. (Ảnh minh họa: Nikkei)

Theo báo Yomiuri, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn, không thể tiếp tục kinh doanh do dịch COVID-19, cần đến các thương vụ mua bán và sáp nhập để tái cơ cấu. Báo này cho rằng xu hướng mua bán và sáp nhập của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước có vai trò quan trọng đối với việc thúc đẩy kinh tế địa phương.

Theo thống kê của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, số lượng thương vụ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể lên tới 3.000 - 4.000 doanh nghiệp trong một năm.

Ngoài mục đích tái cơ cấu và mở rộng hoạt động kinh doanh, báo Nikkei cho rằng, một trong những lý do thúc đẩy hoạt động mua bán và sát nhập tại Nhật Bản là sự thay đổi các tiêu chuẩn của sàn chứng khoán Tokyo, khi các tiêu chuẩn niêm yết như tỷ lệ cổ phiếu đang lưu hành và giá trị vốn hóa thị trường đều đã được tăng lên. Do đó, các công ty cần gia tăng giá trị doanh nghiệp để đáp ứng điều kiện niêm yết, là chính sách hiệu quả để các công ty có thể đáp ứng tiêu chuẩn mới.

Khi dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát, các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) sẽ tiếp tục là chính sách ưa thích của các nhà đầu tư của Nhật Bản, vì đây được cho là con đường nhanh nhất để thâm nhập thị trường và kiếm lợi nhuận.

'Chín rộ' các thương vụ M&A làm nóng thị trường bất động sản công nghiệp "Chín rộ" các thương vụ M&A làm nóng thị trường bất động sản công nghiệp

VTV.vn -Bất động sản công nghiệp của Việt Nam đang ngày càng chứng minh được sức hấp dẫn khi hàng loạt thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) được tiến hành với giá trị hàng triệu USD.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước