Ảnh minh họa. (Nguồn: Telegraph)
Hơn 5.000 cửa hàng bán lẻ đã phải đóng cửa trong năm ngoái tại Anh, khiến số cửa hàng bán lẻ truyền thống đang ở mức thấp nhất trong 7 năm qua. Các hãng bán lẻ đang ngày càng cảm nhận được sức ép từ xu hướng mua sắm qua mạng.
Tờ Telegraph công bố thống kê từ tập đoàn kiểm toán PwC tại hơn 500 địa phương trên toàn Vương quốc Anh, cho thấy số cửa hàng bán lẻ tại các con phố mua sắm ở Anh ngày càng giảm và hiện đang ở mức thấp nhất trong 7 năm qua. Chỉ tính riêng ở các chuỗi kinh doanh, trung bình cứ 11 cửa hàng đi vào hoạt động, có 16 cửa hàng phải đóng cửa. Theo số liệu năm 2017, tới hơn 5.800 cửa hàng bán lẻ đã biển mất khỏi thị trường, với tỷ lệ cao nhất nằm ở thủ đô London. Mảng bị ảnh hưởng nhiều nhất thuộc về các shop thời trang và giày dép, theo sau là các chi nhánh ngân hàng, công ty du lịch và bất động sản.
Các lý do được đưa ra, theo trang tin của BBC, chủ yếu là về sự thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Hệ thống bán lẻ tại cửa hàng của nhiều doanh nghiệp vài năm gần đây, đã vấp phải sự cạnh tranh ngày càng mạnh, từ những chuỗi mua sắm online ở Anh như Asos, hay boohoo.com. Văn phòng Thống kê Quốc gia nước này cho biết, đóng góp của mảng trực tuyến trong toàn ngành bán lẻ đã tăng từ gần 3% tới 18% trong 10 năm qua. Cũng theo báo này, người tiêu dùng ưa chuộng online shopping do giá cả các mặt hàng được nêu rõ ràng, cụ thể, đồng thời có nhiều lựa chọn giao hàng tại chỗ. Không chỉ vậy, mức tăng lương tối thiểu cũng được cho là không theo kịp với mức độ lạm phát, dẫn tới việc e dè hơn trong chi tiêu mua sắm của người dân. Chi phí ngày càng cao, cũng khiến nhiều doanh nghiệp phải tính toán và cơ cấu lại hệ thống cửa hàng của mình.
Theo một nhan đề khác trên tờ Người Bảo Vệ, bên cạnh sự vắng bóng của các cửa hàng trên một số lĩnh vực kinh doanh, nhiều loại hình dịch vụ và mặt hàng khác lại đang có xu hướng trỗi dậy, tạo nên một sự chuyển dịch nhất định trong ngành bán lẻ tại Anh. Thống kê từ PwC cũng cho thấy, các cửa hàng hoạt động trong lĩnh vực làm đẹp, kinh doanh quán cafe hoặc tiệm sách lại đang tăng trưởng mạnh về số lượng. Nhu cầu cho các dịch vụ này cũng ngày càng nhiều, do tính chất và mô hình khác biệt, chiếm ưu thế hơn so với các cửa hàng online, thu hút nhiều các đối tượng, đặc biệt là người trẻ tuổi, ưa thích trải nghiệm sản phẩm tận nơi.
Nhìn chung trong ngành bán lẻ Anh hiện tại, không thể phủ nhận việc thói quen người tiêu dùng đang dần thay đổi cơ cấu kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, của nhiều chuỗi doanh nghiệp cả lớn và nhỏ. Dù một số mảng như làm đẹp hay kinh doanh quán cà phê đang giành được nhiều sự quan tâm trong thời gian gần đây, vẫn có ý kiến cho rằng, cần đặt dấu hỏi về vai trò và sự quan trọng của các cửa hàng mua sắm truyền thống trong tương lai.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!